Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tồn tại

Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tồn tại
6 giờ trướcBài gốc
Tỷ suất sinh giảm
Ngày 25/4, Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm, khi chính thức công bố Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024.
Tài liệu tuyên truyền công tác dân số đã mang lại nhiều kết quả. Ảnh: L.H
Báo cáo mang tính cột mốc này do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu hỗ trợ đã đưa ra bức tranh về tình hình đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn trên toàn quốc, cũng như một số vấn đề dân số khác, trên cơ sở đó kêu gọi hành động để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Kết quả báo cáo cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, trong đó tỷ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh ra) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.
Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm, vượt xa mức cân bằng là 104 - 106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc mà điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang. Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ. Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi).
Về tử vong, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là 69,5 tuổi và có sự chênh lệch lớn về giới: tuổi chết trung bình ở nam giới là 64,6 tuổi và nữ giới là 75,6 tuổi. Phần lớn các ca tử vong năm 2024 là do bệnh tật hoặc tuổi già (chiếm 95,2% tổng số ca tử vong được ghi nhận). Đặc biệt, trên ba phần tư số ca tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.
Cần chính sách phù hợp để đối phó với già hóa dân số
Đánh giá về tầm quan trọng của báo cáo về các số liệu quan trọng này, ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Báo cáo được công bố đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa dữ liệu và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý dân số tại Việt Nam. Đăng ký và thống kê hộ tịch không chỉ là một phần thiết yếu của quản lý nhà nước, mà còn là nền tảng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có thể thiết kế và cung cấp các dịch vụ công phù hợp, bao trùm và hiệu quả.
Cũng theo ông Matt Jackson, thống kê không chỉ đơn thuần là những con số. Đó là những dữ liệu “biết nói”, phản ánh tình trạng sức khỏe, phúc lợi, cơ hội tiếp cận dịch vụ và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng cá nhân. Khi được thu thập và phân tích đầy đủ, dữ liệu này giúp chúng ta hiểu rõ chính sách nào đang phát huy hiệu quả, người dân đã được hưởng lợi như thế nào từ các dịch vụ công và quan trọng nhất là ai đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
“Những kết quả tiến bộ từ báo cáo cho thấy, những tiến bộ rõ rệt, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu dân số chính xác, kịp thời và có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phát triển con người toàn diện” - ông Matt Jackson nhấn mạnh.
Bình luận về thực trạng mức sinh thấp, Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh ông Matt Jackson cho rằng, sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu dân số đòi hỏi chúng ta phải xem xét nghiêm túc đến nhu cầu thực tế của người dân ở từng nhóm tuổi. Đối với người cao tuổi, điều này đồng nghĩa với việc cần mở rộng các dịch vụ chăm sóc dài hạn, y tế thân thiện với người già và bảo vệ an sinh xã hội. Trong khi đó, đối với thế hệ dân số trẻ, cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ nhà ở phù hợp, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và tạo việc làm bền vững.
“Việc xây dựng chính sách dân số phải đặt con người làm trung tâm và dựa trên bằng chứng để mỗi giai đoạn của cuộc đời đều nhận được sự quan tâm đúng mức và hỗ trợ phù hợp từ phía nhà nước và toàn xã hội”- ông Matt Jackson nhấn mạnh.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-van-ton-tai-10304540.html