Ảnh minh họa
Giá lithium đã chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng khiến các mỏ lithium của Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng hàng loạt. Cho đến nay, có khoảng 10 nhà sản xuất lithium đã tạm thời đóng cửa các mỏ thua lỗ, cắt giảm sản lượng hoặc hoãn mở rộng.
Trong khi đó, nhiều công ty khác vẫn đang nỗ lực để duy trì hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng dư thừa nguồn cung loại khoáng sản quan trọng cho pin xe điện này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm và duy trì giá ở mức thấp, theo những người trong ngành và các nhà phân tích.
Diễn biến giá lithium trong vòng 5 năm gần đây. Đơn vị: CNY/tấn
Giá lithium hydroxide đã giảm gần 90% kể từ khi đạt mức đỉnh điểm là 85 USD/ kg vào tháng 12 năm 2022, sau khi tăng vọt hơn 7 lần trong 18 tháng trước đó.
Ngân hàng UBS cho biết nguồn cung lithium toàn cầu dự kiến sẽ tăng 25% trong năm nay và 15% vào năm 2025. Theo UBS, tình trạng dư thừa dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2027, bất chấp việc cắt giảm gần đây tại các mỏ thua lỗ và sự chậm trễ của các dự án.
Các nhà phân tích và cố vấn cho biết hiện nay Trung Quốc là quốc gia có chi phí khai thác lithium cao nhất, nhưng nhiều mỏ lithium do Trung Quốc sở hữu trong nước, ở Úc và Châu Phi khó có thể đóng cửa vì chúng được tích hợp vào chuỗi cung ứng hạ nguồn.
Doanh số bán xe điện dự kiến tăng đột biến và giá lithium tăng vọt vào năm 2021 và 2022 đã dẫn đến sự gia tăng các mỏ mới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết sau khi giá giảm do tình trạng cung vượt cầu và doanh số bán xe điện yếu hơn dự kiến, đầu tư vào các mỏ lithium vẫn tiếp tục và năm ngoái đã tăng vọt 60%.
Một số khoản đầu tư bắt nguồn từ nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lithium ra nước ngoài, bao gồm cả đầu tư vào Zimbabwe. Quốc gia này đã trở thành nhà cung cấp lithium khai thác lớn thứ tư thế giới chỉ trong vòng vài năm.
Theo Cameron Perks, Giám đốc sản phẩm lithium tại công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, cả bốn mỏ đang hoạt động đều do các công ty Trung Quốc sở hữu phần lớn nhưng đều tạo ra ra ít lợi nhuận hoặc bị thua lỗ.
Ông Perks, người đã đến thăm các mỏ ở nước này trong những tuần gần đây, cho biết không có mỏ nào trong số đó đóng cửa mặc dù chi phí dao động từ 600 đến 1.000 USD/tấn vật liệu trong khi giá bán ra 765 USD/tấn. Ông cho biết mỏ có chi phí cao nhất ở Zimbabwe, Arcadia, thuộc sở hữu của Zhejiang Huayou Cobalt.
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Benchmark Mineral Intelligence, Trung Quốc hiện chế biến 65% lượng lithium của thế giới.
Theo Markettimes