Mất khí đốt Nga giá rẻ, thuế quan từ Mỹ gia tăng 'nỗi đau', kinh tế Đức khi nào vực dậy?

Mất khí đốt Nga giá rẻ, thuế quan từ Mỹ gia tăng 'nỗi đau', kinh tế Đức khi nào vực dậy?
11 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, kinh tế Đức sẽ trong tình trạng trì trệ, nghĩa là tăng trưởng bằng không. (Nguồn: Shutterstock)
Năm 2024, tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có nhiều công ty đóng cửa hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 2011. Giá điện cao khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, các công ty đang phải đóng cửa do thiếu hụt lao động và chuyên gia - một phần bởi tình trạng già hóa dân số.
Chính phủ mới đã đặt ra mục tiêu cải thiện tình hình một cách nhanh chóng và bền vững. Nhưng Cơ quan cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức nhận định, điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.
Trong báo cáo mùa Xuân của mình, Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức đã hạ dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cho rằng, đất nước đang bước vào “giai đoạn suy yếu rõ rệt”.
Những khó khăn của nước Đức
Đối với năm 2025, Hội đồng dự báo, kinh tế Berlin sẽ trong tình trạng trì trệ, nghĩa là tăng trưởng bằng không. Đến năm 2026, nước này sẽ tăng trưởng 1%.
Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc chắn rằng, Đức có thể quay lại đúng hướng để đạt được thành công về kinh tế trong trung và dài hạn.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu ngày càng kém cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân chính là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm 2022 và việc xứ bạch dương ngừng cung cấp khí đốt.
Mô hình kinh doanh thành công của Đức là sử dụng năng lượng giá rẻ và kỹ năng kỹ thuật cao để sản xuất các sản phẩm có nhu cầu trên toàn thế giới. Khi thiếu khí đốt giá rẻ từ Nga, đất nước đã vấp phải khó khăn thực sự.
Ngoài ra, còn có những vấn đề trong nước. Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức nhận định: "Các quy định quan liêu và thủ tục phê duyệt kéo dài đang làm chậm tăng trưởng kinh tế vĩ mô".
Trong khi đó, ở bên ngoài, thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới và tác động đặc biệt tiêu cực đối với Đức - một quốc gia hướng đến xuất khẩu.
Loạt biện pháp "cứu" doanh nghiệp
Để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Katherina Reiche muốn đưa ra một số biện pháp vào giữa tháng 7/2025. Cụ thể như: Thuế điện sẽ được giảm và cải cách thị trường lao động.
Ngoài ra, theo bà Katherina Reiche, chính phủ sẽ cung cấp các biện pháp kích thích kinh tế, đơn cử như giảm thuế doanh nghiệp.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng đã cam kết cải cách hành chính, thúc đẩy số hóa và ký thêm các hiệp định thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia tại Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức kêu gọi chính phủ liên bang có cái nhìn thực tế về tương lai.
Họ viết trong báo cáo rằng, không nên cố gắng cứu những vấn đề không khả thi về lâu dài.
Bà Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức gợi ý, quá trình chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh và nghề nghiệp mới nên được thúc đẩy theo cách có mục tiêu.
Giữa hy vọng và lo lắng
Thủ tướng Friedrich Merz đã nhiều lần nói rằng, người dân Đức cần phải làm việc nhiều hơn.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể duy trì sự thịnh vượng với tuần làm việc bốn ngày và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống", đồng thời, kêu gọi giờ làm việc linh hoạt hơn và khuyến khích mọi người tiếp tục làm việc tự nguyện sau tuổi nghỉ hưu.
Giáo sư kinh tế Veronika Grimm nhận thấy: "Cần có các biện pháp khuyến khích người dân để tăng cường sự tham gia vào thị trường lao động".
Vị Giáo sư này cho rằng, khi lực lượng lao động đang thu hẹp, buộc phải tăng năng suất của những người còn lại. "Điều này có thể thực hiện được thông qua số hóa và giảm bớt tình trạng quan liêu", bà Veronika Grimm nói.
Mặc dù có nhiều sáng kiến nhưng ở hiện tại, gánh nặng chi phí hành chính đối với các công ty vẫn chưa giảm đáng kể.
Các chuyên gia đề xuất, cần đẩy nhanh thủ tục nộp đơn và phê duyệt, giảm nghĩa vụ công bố thông tin mà các công ty phải thực hiện đối với nhà nước, số hóa hành chính công và thiết lập cổng thông tin chính phủ điện tử tiêu chuẩn toàn quốc.
Các quy định mới phải hiệu quả và thân thiện với người dùng. Nếu không, điều này sẽ chỉ dẫn đến bộ máy hành chính kém hiệu quả hơn.
Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức đã mô tả triển vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu rằng: "Giữa hy vọng và lo lắng". Họ nhìn thấy cơ hội phục hồi đến từ gói đầu tư tài chính được chính phủ Đức mới thành lập công bố gần đây.
Kể từ năm 2026, các nguồn vốn từ gói tài chính này dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất và chi tiêu công. Điều này sẽ góp phần giúp nền kinh tế Đức quay lại quỹ đạo tăng trưởng.
(theo DW)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/mat-khi-dot-nga-gia-re-thue-quan-tu-my-gia-tang-noi-dau-kinh-te-duc-khi-nao-vuc-day-315225.html