Khi nhà cửa cũng đang bị sạt lở, nước lũ tràn vào như nhiều hộ dân khác, thì những y bác sĩ, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn đang phải ở lại nơi “chiến tuyến” để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người bệnh. Khi thì cấp cứu hồi sức tim phổi cho bệnh nhân ngừng tim ngay trên chiếc mảng thô sơ được chắp nối từ những đường ống nước, khi thì sốt ruột mong người bệnh được di chuyển đến thật nhanh để cấp cứu cho kịp thời...
“Tư ơi! Em ở đâu? Tư ơi...!”, nghe tiếng gào thét của người thân gọi tên, trong đống đổ nát, chị Đặng Thị Tư (31 tuổi, trú tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) chợt tỉnh lại. Lấy hết sức lực, chị cố gượng nói to: “Em ở đây!”. Xác định được vị trí của chị Tư và người chồng, sau khoảng 20 phút, chị Tư được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài...
Các y, bác sĩ đón bệnh nhân giữa đường.
Đã hơn 3 tháng trôi qua, nhưng đối với chị Tư, trận bão lịch sử Yagi như vừa mới xảy ra. Nghĩ đến người chồng đầu ấp vai kề đã không còn trên cõi đời, chị Tư khóc nghẹn, nỗi đau từ trái tim lan đến cào xé từng tế bào trong cơ thể.
Ngày 10/9/2024, trời mưa to, cả xã mất điện diện rộng, chị Tư cùng chồng ngủ cố thêm chút vì cả đêm trước đã không thể chợp mắt. Vừa thức dậy vào lúc 8h sáng, chị Tư đứng trên giường định bật thử công tắc xem có điện hay chưa bỗng nhiên tối sầm, nhà cửa đổ sập, đất đá tràn vào... cả ngôi nhà cùng vợ chồng chị Tư bị vùi lấp hoàn toàn.
“Khi nhà sập, trong đống đổ nát, chồng tôi còn lấy tay nắm vào chân tôi. Tôi cảm nhận được anh ấy chết đau đớn như thế nào... Tôi cũng nghĩ mình không thể qua khỏi, bởi sau khi nhà cửa đổ sập, tôi thấy một mảng tường lớn lại sắp ập xuống. Tôi nhắm mắt chuẩn bị tâm thế để đi theo chồng, nhưng mảng tường này lại rơi vào một mảng tường khác, vỡ đôi, tôi tiếp tục thoát chết thêm lần nữa”, chị Tư nhớ lại.
Sau khi được đưa ra khỏi đống đổ nát, dù đau đớn tột cùng, chị Tư vẫn hy vọng phép màu sẽ đến với chồng mình. Khi biết chồng không qua khỏi, chị Tư nhắm mắt định buông xuôi, nhưng nghĩ đến 3 đứa con còn đang gửi ở nhà ông bà ngoại, đang độ tuổi đến trường, chị lại tự nhủ mình phải cố gắng để sống.
Giờ đây, khi đã bước qua cửa tử, trải qua biến cố mà cả phần đời còn lại cũng không thể nào quên, chị Tư không thể kìm được những giọt nước mắt... Khóc nấc lên thành tiếng khi ngắm nhìn đứa con trai kháu khỉnh, chị Tư gạt nước mắt, tự động viên mình cần phải sống thật tốt, thật khỏe mạnh, để làm chỗ dựa cho con và trả ơn cuộc đời, trả ơn những “thiên thần áo trắng” đã kéo chị ra khỏi tay thần chết.
Hơn 2 giờ di chuyển trên bè mảng giữa biển nước
Trước tin siêu bão Yagi sắp đổ bộ, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Yên đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và phương tiện để hỗ trợ cho người dân không kể ngày đêm.
Riêng tại Trạm Y tế xã Viễn Sơn, BS. Lục Thị Phượng - Trạm trưởng Trạm Y tế cùng 4 nhân lực khác chia nhau túc trực tại các điểm y tế của xã. Tính từ khi bão bắt đầu đổ bộ đến khi bão đi qua là tròn 1 tuần, các y bác sĩ không được trở về nhà.
Sáng ngày 10/9, ngay sau khi nhận được tin báo ngôi nhà của vợ chồng chị Đặng Thị Tư bị sạt lở nghiêm trọng, BS. Lục Thị Phượng cùng 2 cán bộ của trạm đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Ngay sau khi nạn nhân được đưa ra khỏi đống đổ nát, nhận thấy chị Tư bị đa chấn thương, không thể cử động được nửa thân dưới, sốc do đau..., BS. Phượng đã ra y lệnh hồi sức ngay tại chỗ.
“Bệnh nhân Tư được đưa về trạm để tiếp tục hồi sức tích cực. Sau đó chúng tôi tìm cách chuyển bệnh nhân lên TTYT huyện Văn Yên. Nơi này cách trung tâm khoảng gần 20km. Bình thường quãng đường này không quá xa, chỉ mất khoảng 40 phút đồng hồ nếu di chuyển bằng xe máy, nhưng thời điểm đó giao thông bị chia cắt bởi lũ, quãng đường gần 20km lúc này cần tới 2,5 giờ đồng hồ để di chuyển bằng bè mảng.
Bệnh nhân Đặng Thị Tư (nằm trên xuồng) cùng bác sĩ Phượng (tóc ngắn, đứng) được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đón sau 2,5 giờ di chuyển.
Chúng tôi bắt đầu hành trình bằng cách đi ôtô tải khoảng 8km để ra đến xã Xuân Ái. Từ đây đến TTYT huyện Văn Yên vẫn còn 3 đoạn ngập rất sâu nên chúng tôi đã gặp không ít gian nan.
Bệnh nhân Tư được di chuyển trên thùng xe ôtô tải, bên cạnh có tôi túc trực và một số người nhà đi cùng hỗ trợ ôm bình oxy. Đến quãng ngập sâu, xe ôtô không thể đi tiếp, chúng tôi phải di chuyển bằng mảng. Nhìn chiếc mảng, tôi thấy hoang mang vô cùng, không biết nó có thể chở được 3 người chúng tôi hay không, vì thực sự chiếc mảng rất thô sơ, chỉ là những ống nhựa được ghép lại với nhau. Nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, 3 người chúng tôi lên mảng, còn 4-5 người khác là cán bộ của đội cứu trợ của các xã phải lội nước, để đẩy mảng đi. Tôi thấy có đoạn ngập sâu tới tận cổ...
Càng đi tôi lại thấy quãng đường như càng xa hơn vì xung quanh vẫn chỉ toàn là nước... Không biết bao nhiêu lần tôi phải tự thốt lên: “Bao giờ mới tới nơi?”, chắc bởi tôi lo lắng quá” BS. Phượng kể.
Nghĩ đến khoảng thời gian đầy gian nan, sóng gió, BS. Phượng không thể kìm được nước mắt. Biết rằng lựa chọn ngành Y sẽ chẳng khác gì chọn cho mình một nghề đặc biệt khó khăn, nhưng BS. Phượng vẫn mỉm cười khi biết mình chẳng thể nào chọn hướng đi khác dù con đường có bằng phẳng, không chút chông gai...
Khó khăn lại càng chồng chất khó khăn khi đang lênh đênh trên dòng nước lũ thì bệnh nhân Tư đột nhiên ngừng tim. Lúc này đã đến đoạn xã Yên Hợp, khi bệnh nhân đã di chuyển được khoảng 12km. Sau câu nói: “Em khó thở quá!”, bệnh nhân Tư đột ngột lịm đi, mạch cảnh, mạch bẹn cũng không thể bắt được. BS. Phượng ngay lập tức thực hiện các bước cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, song song với đó là vừa nghe chỉ thị từ lãnh đạo TTYT huyện Văn Yên qua điện thoại. Sau khoảng gần 5 phút kiên trì cấp cứu, bệnh nhân Tư được bác sĩ kéo trở về với thực tại, thoát khỏi tiếng gọi tên của “tử thần”.
“Ngồi yên trên chiếc mảng thô sơ đã thấy chênh vênh không vững, vậy mà lúc đó còn phải hồi sức tim phổi cho bệnh nhân, thực sự là một điều khó khăn. Rơi vào hoàn cảnh như vậy khiến tôi cảm thấy bất an và lo lắng. Nhiều khi muốn khóc lên thành tiếng, nhưng tôi lại cố gắng kìm lại rồi tự động viên mình. Tôi biết hơn ai hết, lúc này bản thân mình cần phải thật mạnh mẽ vì em Tư vẫn đang cần tôi. Tôi tự nhủ bằng mọi giá không được để Tư tử vong trên đường đi...”, BS. Phượng kể. Sau khi bệnh nhân Tư thoát khỏi lưỡi hái tử thần, bệnh nhân và BS. Phượng lại tiếp tục được chuyển sang xuồng máy để di chuyển đến TTYT huyện Văn Yên.
Sau khi đưa bệnh nhân Tư đến được TTYT huyện Văn Yên, BS. Phượng lại ôm bình oxy tìm cách trở lại Trạm Y tế xã Viễn Sơn để tiếp tục ứng trực sẵn sàng cứu chữa người bệnh. Con đường gần 20km lúc này với bác sĩ đã không còn xa như lần trước, bác sĩ mỉm cười, xắn cao quần, tiếp tục hành trình “lênh đênh trên dòng nước lũ”.
Vừa là bác sĩ, vừa là người nhà bệnh nhân
Nhớ đến thời điểm đón bệnh nhân Đặng Thị Tư tại đầu cầu Mậu A (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), BSCKII. Vương Ngọc Biên - Phó Giám đốc TTYT huyện Văn Yên, không kìm nén được xúc động. BS. Biên cho biết, gần 12h trưa 10/9, sau khoảng 2,5 tiếng di chuyển, bệnh nhân Tư được BS. Phượng cùng đoàn cứu trợ đưa đến. Nhìn thấy chiếc xuồng bé tí lênh đênh trên dòng nước lũ dần dần tiến lại, BS. Biên lòng như lửa đốt.
“Chỉ vài phút đồng hồ nhưng sao tôi thấy thời gian khi đó trôi chậm đến thế. Khi đưa được người bệnh đến nơi, chúng tôi cùng nhìn nhau thở phào. Tôi tự nhủ đến đây rồi chắc chắn Tư sẽ được cứu sống...”, BS. Biên nhớ lại.
Nhanh chóng đưa người bệnh về khoa Cấp cứu của TTYT, sau khi kiểm tra, thăm khám và hội chẩn nhanh giữa Ban Giám đốc với các bác sĩ chuyên khoa, chúng tôi xác định người bệnh bị đa chấn thương nặng, vết thương nguy hiểm nhất là ở vùng bộ phận sinh dục, hậu môn trực tràng... Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế chuyển người bệnh về BVĐK tỉnh Yên Bái.
“Từ huyện đến TP. Yên Bái cách nhau tới gần 40km, mà khi đó xung quanh bệnh viện tỉnh nước ngập sâu. Câu hỏi “phải làm sao?” lại một lần nữa xuất hiện trong đầu. Chúng tôi cứ vắt óc tìm cách để chuyển người bệnh đến tuyến trên, phải đảm bảo an toàn và nhanh nhất có thể...
Ngay lập tức chúng tôi liên hệ với Trung tâm Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tổ chức hội chẩn từ xa và giúp đỡ phương tiện đón người bệnh. Sau hội chẩn, quyết định được đưa ra là cần tiếp tục chuyển người bệnh lên tuyến trên và chúng tôi được BVĐK tỉnh Phú Thọ hỗ trợ. Thế là bệnh nhân Tư lại được đưa lên xuồng để đi ra đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao IC 14). Đến nơi, xe cấp cứu của BVĐK tỉnh Phú Thọ đã đứng chờ sẵn. Khi ấy là khoảng 17h chiều 10/9”, BS. Biên cho biết.
Theo BS. Biên, sau thời gian điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, sức khỏe chị Tư đã ổn định hơn rất nhiều, nhưng khó khăn vẫn còn trước mắt. Để lấy lại sức khỏe, chị Tư vẫn sẽ phải trải qua 2 cuộc mổ nữa.
Ngoài chị Đặng Thị Tư, trong bão Yagi, TTYT huyện Văn Yên cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, phải chịu đau đớn nhiều giờ đồng hồ vì đường xá trắc trở, vô cùng gian nan.
Trường hợp của anh H.H.G. (SN 1994, ở Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái) là một ví dụ. Ngày 11/9, người bệnh đột nhiên bị đau bụng dữ dội, được người nhà và đội cứu hộ khênh bằng cáng, đi bộ 20km mới đến được Phòng khám đa khoa khu vực An Bình (thuộc TTYT huyện Văn Yên). Vì phòng khám ngập nặng nên các bác sĩ đã bố trí xe cứu thương để đưa người bệnh ra TTYT huyện. Đi thêm 15km bằng xe cứu thương, người bệnh mới được chuyển lên xuồng để di chuyển vào TTYT.
Sau khoảng 8 giờ đồng hồ (từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau) đổi 3 lần di chuyển bằng cách đi bộ, ôtô và xuồng máy, bệnh nhân G. mới được các bác sĩ thăm khám. Nhưng rất may, khi đến trung tâm, người bệnh không có chuyển biến xấu. Được chẩn đoán viêm ruột thừa, bệnh nhân G. đã được đưa vào phòng mổ cấp cứu ngay lập tức. Sau 4 ngày, người bệnh đã có thể ổn định ra viện trong niềm vui của gia đình.
“Những lúc nguy cấp, chúng tôi cũng không phân biệt ai là người nhà, ai là bác sĩ nữa. Cứ thấy việc là làm hết. Vì nhiều khi người bệnh vào viện chỉ có một mình, lúc ấy chúng tôi vừa phải là bác sĩ, vừa phải là người nhà của người bệnh. Vừa cứu chữa, vừa động viên, an ủi, chăm lo cho người bệnh từ cốc nước, xuất ăn...”, Phó Giám đốc TTYT huyện Văn Yên cho hay.
Tết này bác sĩ có nhà để về?
Những ngày bão Yagi đổ bộ, tình hình mưa lũ tại huyện Văn Yên vô cùng phức tạp. Nhiều xã trên địa bàn huyện ngập sâu trong nước lũ. 25 trạm y tế của huyện đều bố trí cán bộ trực tại trạm 24/24 giờ, luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận sơ cứu người bị thương.
Riêng tại TTYT huyện Văn Yên đã thành lập các tổ cấp cứu ngoại viện gồm 32 bác sĩ, điều dưỡng; 3 tổ chống dịch cơ động gồm 17 cán bộ. Ngoài ra, tất cả những y bác sĩ, cán bộ còn lại vẫn luôn phải trong tư thế sẵn sàng khi không may xảy ra tình huống khẩn cấp.
Một bệnh nhân được khênh bằng cáng, đi bộ, vì bão lũ tại huyện Văn Yên.
“TTYT huyện Văn Yên nằm ở địa thế cao nên may mắn nước không tràn vào, nhưng lại bị cô lập hoàn toàn, vì xung quanh nơi đâu cũng toàn là nước lũ. Không những thế, mưa lũ kéo theo mất điện, không có nước, bệnh viện hoạt động mà không có điện, nước thì phải làm sao?
Ban lãnh đạo Trung tâm tính toán, chỉ đạo quyết liệt: “Cần chạy máy nổ 24/24 giờ. Riêng nguồn nước cần dự trữ tối đa, phải có nước sạch để dùng, không thể để người bệnh rơi vào trạng thái nguy kịch”. Trên tinh thần chỉ đạo, mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sức khỏe của mọi người dân, mỗi người chúng tôi luôn sẵn sàng trong tư thế “báo động đỏ”, vững vàng dù là ngày hay đêm”, BS. Vương Ngọc Biên nói.
Tuy vậy, giữa mênh mông biển nước, hơn 40 gia đình của y bác sĩ thuộc TTYT huyện Văn Yên cũng bị ảnh hưởng vì sạt, ngập. Vững vàng trước bệnh nhân tại bệnh viện, nhưng khi nghĩ về gia đình, người thân, các y bác sĩ lại trở nên vô cùng nhỏ bé vì chẳng thể giúp được gì.
Trận bão lịch sử Yagi khiến Phòng khám đa khoa khu vực An Bình bị hư hỏng nặng nề. Nước ngập mấp mé trần nhà tầng 1. 6 cán bộ, y bác sĩ của phòng khám phải thay nhau khuân vác, cứu đồ đạc, máy móc lên tầng 2. Chuyển địa điểm khám bệnh và phân phát thuốc đến ga tàu lửa và nhà văn hóa thôn...
“Nhà tôi cũng ngập gần hết tầng 1 nhưng tôi cũng không thể về. Lúc về đến nhà thì nước đã rút hết. Khi nước dâng lên, vợ con sốt ruột mong ngóng tôi trở về, nhưng trước khi làm chồng, làm cha, tôi đã là một bác sĩ. Sứ mệnh cứu giúp người bệnh khiến tôi không thể làm khác. Nhiều khi thấy hổ thẹn với vợ con, nhưng tôi cũng chỉ có thể nói lời xin lỗi...”, BS. Đinh Quốc Tuấn - Trưởng phòng khám đa khoa khu vực An Bình chia sẻ.
Theo BS. Vương Ngọc Biên, đến hiện tại vẫn có gia đình bác sĩ của trung tâm phải đi ở trọ. Tết đến, Xuân về họ cũng chỉ mong có một mái ấm để chở che, cùng nhau quây quần bên mâm cơm nóng hổi như bao gia đình khác. Nhưng BS. Biên vẫn lạc quan bảo: “Chưa biết Tết này họ có nhà để về hay không, nhưng chắc chắn khi xuân đến, vạn vật sẽ lại đâm chồi nảy lộc. Những đau thương, mất mát rồi sẽ qua đi để nhường chỗ cho tiếng cười, cho niềm hạnh phúc”.
Quỳnh Mai