Mật nghị Hồng y và quy trình bầu chọn tân Giáo hoàng

Mật nghị Hồng y và quy trình bầu chọn tân Giáo hoàng
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 21-4, Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời ở tuổi 88. Giáo hoàng Francis qua đời vài tuần sau khi ông xuất viện tại Rome (Ý) sau cuộc chiến với căn bệnh viêm phổi nặng.
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Giáo hội Công giáo sẽ khởi động một quy trình cổ xưa nhằm bầu chọn vị lãnh đạo tôn giáo. Quy trình này gọi là Mật nghị Hồng y – một cụm từ có gốc Latinh nghĩa là “phòng khóa kín”.
Dưới đây là một số quy định và điểm đặc biệt của quy trình chọn ra tân Giáo hoàng, theo đài CBC News.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: AFP
Ai có thể trở thành Giáo hoàng?
Người được chọn làm tân Giáo hoàng phải là nam giới và đã được rửa tội theo nghi thức Công giáo. Dù không phải là điều kiện bắt buộc bằng văn bản, nhưng hầu hết các Giáo hoàng đều từng là Hồng y trước khi được bầu làm Giáo hoàng.
Giáo hoàng sẽ do 120 Hồng y bầu chọn. Chỉ các Hồng y dưới 80 tuổi tại thời điểm Giáo hoàng tiền nhiệm mất hoặc từ chức mới được phép tham gia bỏ phiếu chọn tân Giáo hoàng.
Tính đến đầu năm nay, thế giới có 252 Hồng y, trong đó 138 người đáp ứng yêu cầu về độ tuổi. Tuy nhiên, chưa rõ bằng cách nào danh sách 120 người sẽ được chọn ra. Những Hồng y trên 80 tuổi vẫn có thể tham dự các cuộc họp sơ bộ.
Quy trình bỏ phiếu
Ngày đầu tiên của mật nghị bắt đầu với thánh lễ đặc biệt. Sau đó, các Hồng y tuần tự tiến vào Nhà nguyện Sistine (Tòa thánh Vatican), vừa đi vừa xướng kinh và thánh ca, cầu khẩn các thánh và Chúa Thánh Thần soi sáng để họ lựa chọn ra một Giáo hoàng. Mỗi Hồng y đặt tay lên sách Phúc âm và tuyên thệ “với lòng trung thành cao nhất” rằng sẽ không bao giờ tiết lộ bất kỳ chi tiết nào của mật nghị.
Người chủ trì nghi lễ phụng vụ của Giáo hoàng – một chức danh chịu trách nhiệm tổ chức các nghi thức tôn giáo trong suốt nhiệm kỳ của Giáo hoàng – sẽ hô lớn “Extra omnes” (tiếng Latinh nghĩa là “Tất cả ra ngoài”). Sau đó, tất cả những người không phải Hồng y rời khỏi phòng và việc bỏ phiếu bắt đầu.
Quy trình này được giữ bí mật tuyệt đối. Theo Tổng giáo phận Toronto, các Hồng y có thể bị rút phép thông công nếu làm lộ thông tin. Nhà nguyện cũng được kiểm tra kỹ lưỡng để phát hiện các thiết bị nghe lén trước và sau mỗi mật nghị.
Sau đó, mỗi Hồng y viết tên người mình chọn vào một tờ giấy có in sẵn dòng chữ Latinh: “Tôi bầu chọn người này làm Giáo hoàng tối cao”. Kế đó, các Hồng y lần lượt tiến đến bàn thờ, đọc lời tuyên thệ:
“Con lấy Đức Kitô, Chúa con và là Đấng sẽ xét xử con, làm chứng rằng con bầu chọn người mà trước mặt Thiên Chúa, con tin là xứng đáng được chọn”.
Lá phiếu được gấp lại, rồi dùng một đĩa tròn để thả lá phiếu vào một hũ bằng bạc mạ vàng, có hình bầu dục. Sau khi tất cả Hồng y đã bỏ phiếu, ba vị Hồng y kiểm phiếu sẽ lần lượt mở từng lá phiếu, ghi tên người được bầu và đọc to trước hội nghị.
Mỗi Hồng y có thể tự ghi chú lại số phiếu trên một tờ giấy được phát, nhưng phải nộp lại để đốt sau khi kết thúc vòng bỏ phiếu. Những người kiểm phiếu sẽ cộng lại số phiếu và ghi kết quả vào một tờ giấy riêng, lưu trữ trong văn khố Tòa Thánh.
Mật nghị kéo dài bao lâu?
Ngày đầu tiên chỉ có một vòng bỏ phiếu. Từ ngày thứ hai trở đi, mỗi ngày có thể diễn ra tối đa bốn vòng. Ứng viên cần đạt đa số 2/3 số phiếu để được bầu làm Giáo hoàng mới.
Các lá phiếu được đếm và đốt sau mỗi lần bỏ phiếu.
Theo quy ước, nếu khói bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine là màu đen thì điều đó báo hiệu rằng các hồng y chưa bầu ra được tân Giáo hoàng. Ngược lại, khói trắng sẽ báo hiệu rằng đã có Giáo hoàng mới được bầu.
Khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine (Vatican) báo hiệu Hội đồng Hồng y đã bầu ra tân Giáo hoàng vào ngày 13-3-2013. Ảnh: GETTY IMAGES
Nếu sau ba ngày vẫn chưa chọn được Giáo hoàng, việc bỏ phiếu sẽ tạm ngưng trong tối đa một ngày. Sau đó, quá trình được tiếp tục. Nếu vẫn không có kết quả sau bảy vòng tiếp theo, lại tạm ngưng trước khi tiếp tục trở lại.
Nếu sau 33 vòng bỏ phiếu vẫn chưa có người đắc cử, các Hồng y sẽ tiến hành vòng bầu chọn cuối cùng giữa hai ứng viên nhận nhiều phiếu nhất. Đây là quy định tương đối mới do Giáo hoàng Benedict XVI ban hành. Khác với các vòng trước, hai ứng viên vào chung kết sẽ không được quyền bỏ phiếu.
Trong quá khứ, mật nghị Hồng y từng kéo dài nhiều tháng – lâu nhất là lần chọn Giáo hoàng Gregorius X vào thế kỷ XIII, từ tháng 11-1268 đến tháng 9 -1271.
Trung bình trong thế kỷ XX, mật nghị chỉ kéo dài ba ngày. Hai lần gần đây nhất trong thế kỷ XXI, bầu Giáo hoàng Benedict và Giáo hoàng Francis chỉ mất bốn và năm vòng bỏ phiếu.
Điều gì tiếp theo khi đã bầu được Giáo hoàng?
Khi một Hồng y được bầu làm Giáo hoàng, người chủ trì nghi lễ phụng vụ của Tòa Thánh sẽ trở lại nhà nguyện. Trưởng Hồng y đoàn sẽ hỏi tân Giáo hoàng rằng:
“Ngài có chấp nhận việc được bầu hợp lệ làm Giáo hoàng tối cao không?”
Nếu Hồng y trả lời “Tôi chấp nhận”, vị trưởng Hồng y tiếp tục hỏi: “Ngài muốn được gọi bằng tên nào?”
Truyền thống đặt tên Giáo hoàng bắt đầu với mục đích “Công giáo hóa” tên khai sinh. Giáo hoàng Gioan II, được bầu năm 533, là người đầu tiên làm điều này vì tên thật của ông là Mercurius – trùng với tên một vị thần La Mã. Ngày nay, tên Giáo hoàng thường được chọn để tưởng nhớ các vị tiền nhiệm hoặc thể hiện định hướng lãnh đạo của tân Giáo hoàng.
Người chủ trì nghi lễ ghi thông tin vào văn bản chính thức. Khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine và chuông đại thánh đường Thánh Peter vang lên báo hiệu đã có tân Giáo hoàng.
Tân Giáo hoàng sau đó mặc áo choàng trắng. Các Hồng y mặc áo đỏ lần lượt đến tuyên thệ vâng phục. Trước khi ra mắt người dân, tân Giáo hoàng dành vài phút cầu nguyện trong Nhà nguyện Pauline, rồi xuất hiện trên ban công chính của Quảng trường Thánh Peter. Một vị Hồng y bước ra trước, tuyên bố bằng tiếng Latin:
“Habemus papam!” (Chúng ta đã có Giáo hoàng!)
Tân Giáo hoàng sau đó xuất hiện và đọc những lời công khai đầu tiên với tư cách là người lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/mat-nghi-hong-y-va-quy-trinh-bau-chon-tan-giao-hoang-post845699.html