Từ đam mê đến nghiệp “tay ngang”
Những ngày đầu tháng 4, khi tiết trời còn vương chút se lạnh, Đông Lợi đã rộn ràng vào mùa thu hoạch mật ong. Dọc theo con đường quanh co, dưới tán hoa vải, những thùng ong gỗ được xếp ngay ngắn, tỏa hương thơm ngọt ngào đặc trưng. Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tập, chúng tôi tìm đến thôn An Lịch, nơi đặt “đại bản doanh ong” của một thầy giáo “tay ngang”.
Rót tách trà nóng để mời khách, anh Đặng Ngọc Bắc tự giới thiệu. Anh không phải là một người nuôi ong chuyên nghiệp từ thuở ban đầu. Anh là giáo viên đang công tác tại Trường Tiểu học Đông Lợi. Với anh, nghề nuôi ong đến như một cơ duyên, một sự khám phá tình cờ.
“Trong một lần đi công tác, tôi được chứng kiến người dân địa phương thu hoạch mật ong rừng. Thứ mật vàng óng, thơm lừng ấy đã khiến tôi say mê và nảy sinh ý tưởng nuôi ong lấy mật. Ban đầu, tôi chỉ nuôi vài đàn ong để lấy mật dùng trong gia đình. Nhưng rồi, tôi nhận thấy tiềm năng của nghề này. Đông Lợi có nguồn hoa vải, nhãn và hoa rừng phong phú, khí hậu thuận lợi, rất phù hợp cho việc nuôi ong” anh Bắc nhớ lại.
Anh Đặng Ngọc Bắc kiểm tra chất lượng mật ong.
Từ đó, anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong từ sách báo, internet và những người nuôi ong lâu năm. Sau mỗi giờ lên lớp, anh dành tất cả thời gian để chăm sóc đàn ong, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng.
Những ngày đầu nuôi ong, anh gặp không ít khó khăn. Ong bị bệnh, thời tiết thất thường, thiếu kinh nghiệm... tất cả đều là những thách thức lớn đối với người thầy giáo “tay ngang”. Nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại và tinh thần ham học hỏi, anh Bắc đã từng bước vượt qua những trở ngại ấy.
“Tôi nhớ có lần, đàn ong bị bệnh, gần như mất trắng. Lúc đó, tôi rất buồn và nản lòng. Nhưng rồi, tôi nghĩ đến những người nông dân quanh năm vất vả, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục” anh Bắc nhớ lại.
Sau nhiều năm miệt mài, anh Bắc đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong nghề nuôi ong. Anh đã tự tách đàn ong, điều mà không phải thợ nuôi ong nào cũng làm được. Đàn ong của anh ngày càng phát triển, từ 20 đàn lên 100 đàn, sản lượng mật cũng tăng lên đáng kể.
Tôi hỏi bí quyết thành công trong nghề nuôi ong, không ngần ngại, anh Bắc trả lời ngay: “Nghề đòi hỏi người nuôi phải vững kỹ thuật cơ bản, biết chọn ong chúa chất lượng để tạo ra được nguồn ong thợ tốt. Quá trình nuôi phải biết cách chăm sóc, cho ăn, nhân đàn. Nếu phát hiện ong bị bệnh phải cách ly, trị bệnh hoặc chuyển ngay ong đi để thay đổi môi trường và tìm nguồn nuôi khác cho phù hợp. Ngoài ra, người nuôi cũng phải có “duyên” với ong, phải kiên trì, nhẫn nại, cần cù như “con ong chăm chỉ” thì mới trụ được với nghề”.
Lan tỏa “vị ngọt” cho cộng đồng
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi ong cho riêng mình, thầy Bắc còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ bà con trong vùng cùng phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong. Năm 2020, anh đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong Đông Lợi. Ban đầu, nhiều người còn hoài nghi về ý tưởng của thầy giáo này. Nhưng bằng sự nhiệt tình, tâm huyết anh Bắc đã từng bước thuyết phục bà con tham gia.
“Khi mới triển khai tổ hợp tác chỉ có vài thành viên, đều là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, là thương binh, bệnh binh. Trong quá trình hoạt động các thành viên trong tổ hợp tác đã không ngừng giúp đỡ lẫn nhau, từ chăm sóc đàn ong hàng ngày đến thu hoạch mật đều được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mình tích lũy được. Cũng vì thế mà tổ hợp tác nuôi ong từ 4 thành viên ban đầu giờ tăng lên 8 thành viên, nuôi trên 700 đàn ong, mỗi năm cho thu gần 5.000 lít mật. Với giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng, mỗi năm tổ hợp tác thu về hàng trăm triệu đồng” - anh Bắc phấn khởi.
Người dân Đông Lợi thu hoạch mật ong.
Ông Phạm Hồng Thái, thôn An Khang, thành viên của tổ hợp tác chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ nuôi vài đàn ong để lấy mật cho gia đình. Nhưng khi thấy thầy Bắc thành lập tổ hợp tác, tôi cũng mạnh dạn tham gia. Được thầy Bắc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tôi đã mở rộng quy mô nuôi hơn 100 đàn. Mỗi năm, từ nuôi ong gia đình tôi thu về gần trăm triệu đồng”.
Nghề “một vốn bốn lời”
Mùa mật ong ở Đông Lợi thường bắt đầu từ tháng 3, khi những vườn vải, nhãn bắt đầu nở hoa. Ong được nuôi ngay tại vườn nhà, tận dụng nguồn hoa dồi dào để tạo ra những giọt mật vàng ngọt. Đến cuối tháng 4, khi mùa vải, nhãn kết thúc, người dân lại đưa ong lên núi, nơi có những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại hoa rừng quý hiếm.
Tâm sự về nghề nuôi ong, anh Bắc say sưa kể: Nghề nuôi ong mật cũng dễ mà cũng khó. Bởi con ong cũng kén chọn người nuôi. Đặc biệt, muốn có nhiều sản lượng mật, người nuôi phải di chuyển ong theo mùa hoa mà chuyển ong thì phải chuyển vào ban đêm.
“Mật ong hoa vải, nhãn có màu vàng óng, vị ngọt thanh, còn mật ong hoa rừng thì có màu sẫm hơn, vị ngọt đậm đà, thơm nồng. Mỗi loại mật ong đều có hương vị đặc trưng riêng, được nhiều người ưa chuộng”, anh Bắc cho biết.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tập khẳng định: Nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời” vì chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích. Chính vì vậy, nghề nuôi ong không chỉ giúp người dân Đông Lợi nâng cao thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ong giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Đồng thời, việc khai thác mật ong rừng cũng giúp bảo tồn những cánh rừng nguyên sinh quý giá.
Toàn xã hiện có trên 30 hộ nuôi với trên 1.500 đàn ong. Để hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi ong bền vững, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong, phòng trừ dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Xã đang hướng tới xây dựng thương hiệu mật ong Đông Lợi, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho người nuôi ong.
Rời Đông Lợi, trong tôi vẫn vương vấn hương mật ngọt ngào. Những cánh ong dần trở về tổ, mang theo những giọt mật cuối cùng của ngày. Đông Lợi chìm trong sắc vàng óng ả, ngọt ngào. Những cánh ong vẫn miệt mài bay xa, mang theo hương vị của núi rừng, của tình người ấm áp và sự ấm no đến với mảnh đất này.
Lý Thu