FOMO (Fear Of Missing Out) là hội chứng tâm lý xã hội, thường bắt gặp ở nhiều cá nhân. Nó được hiểu là trạng thái lo lắng, bất an hoặc không thoải mái vì trong họ tồn tại nỗi sợ về sự bỏ lỡ trải nghiệm, thông tin hoặc sự kiện mà người khác đang để tâm, có được.
Không khó để nhận ra hội chứng này. Nguồn: vvanyunn
FOMO trở thành khái niệm quen thuộc với Gen Z, đặc biệt trong thói quen mua sắm. “Không mua thì thấy thiếu thiếu, mua rồi lại thấy thiếu tiền”, teen giờ đây không sợ bỏ lỡ một cuộc chơi mà sợ bỏ lỡ một món đồ đang trend, đang hot.
Mắt thấy tay mua: Cơn nghiện “mua rồi tiếc”
Với nhiều bạn trẻ, hành vi tiêu dùng ngày nay không còn xuất phát từ nhu cầu thực sự, mà từ nỗi sợ bị bỏ lại phía sau nếu không theo kịp xu hướng. Từ mạng xã hội đến đời thực, “mắt thấy là tay quẹt thẻ”, “thêm vào giỏ hàng” đã trở thành thói quen. Việc sở hữu món đồ mới không chỉ để sử dụng, mà còn là cách để “flex”, khẳng định bản thân không bị “out trend”.
Cảm giác phải nhanh tay sở hữu món đồ đang hot tạo ra áp lực vô hình, khiến nhiều bạn trẻ không thể đứng ngoài cuộc. Ảnh: Internet
Hội chứng FOMO đang khiến không ít bạn trẻ dần mất kiểm soát trong chi tiêu. Tủ đồ ngày càng đầy, nhưng ví tiền ngày càng mỏng. Sau mỗi lần mua sắm bốc đồng là cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối. Mua sắm không chỉ là thói quen tiêu dùng, mà đã trở thành một cuộc đua ngầm, Gen Z luôn phải chạy theo xu hướng, bất chấp sức khỏe tài chính của chính mình.
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Nguyễn Thị Nga (sinh năm 2004, Bình Dương) kể lại: “Mình từng chốt đơn một cái váy vintage chỉ vì thấy ai cũng mặc rồi đăng story. Lúc đặt thì thấy hứng khởi lắm, mua về mình chỉ mới mặc được một lần, sau đó cất trong tủ tới giờ. Không phải vì nó không đẹp mà mình không thực sự cần nên cũng ít mặc.”
Nữ sinh cũng ám ảnh việc “chốt đơn” theo xu hướng. Ảnh: NVCC
Nghệ thuật chốt đơn “nói không với FOMO”
Trước sức hút từ hàng loạt chương trình giảm giá, những món đồ "must-have" tràn ngập trên TikTok, không ít bạn trẻ rơi vào vòng xoáy mua sắm do nỗi sợ bị bỏ lỡ xu hướng. Để thoát khỏi “ma lực chốt đơn”, Nga chia sẻ một mẹo đơn giản: “Trước khi mua, hãy thêm món đồ vào giỏ hàng và để đó 3 ngày. Nếu sau 3 ngày bạn vẫn thấy thật sự cần, lúc đó hãy mua. Đây là cách ‘thử lòng ví tiền’ khá hiệu quả”.
Bên cạnh đó, bạn Nguyễn Huỳnh Phi (sinh năm 2004, Bình Dương) thừa nhận: “FOMO là có thật, nhất là khi mạng xã hội luôn hiện ra những món đồ ai cũng khen. Nhưng mình học được rằng, không phải thứ gì hợp với người khác cũng hợp với mình. Đôi khi chạy theo trend chỉ khiến ví tiền cạn kiệt mà chẳng mang lại giá trị gì”.
Gen Z học cách mua hàng thông minh sau thời gian dài bị FOMO. Ảnh: NVCC
FOMO không phải là điều tiêu cực nếu người trẻ biết kiểm soát và chọn lọc. Không mua món đồ đang hot không có nghĩa là tụt hậu. Học cách đứng ngoài một vài trào lưu, bỏ qua vài deal hấp dẫn để chọn thứ phù hợp với nhu cầu cá nhân mới là biểu hiện của sự trưởng thành. Với Gen Z hiện đại, tự tin vào lựa chọn của bản thân và biết cách chi tiêu hợp lý mới chính là cách định nghĩa giá trị bản thân.