Lễ tuyên thệ của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ I, năm 1962. Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng MTTQ Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Nhân dân miền Bắc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá Hiệp nghị, chống tổ chức tổng tuyển cử, đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, thẳng tay tiến hành các chiến dịch đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, những người yêu nước và mọi lực lượng đối lập, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trong thời gian đó, Đảng ta từng bước tìm tòi, hoạch định đường lối cách mạng miền Nam, trong đó có chủ trương xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm. Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam. Tại Đại hội lần thứ I, năm 1962, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Do điều kiện đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi miền Nam chưa có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vừa làm nhiệm vụ là một chính phủ, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam; vừa làm nhiệm vụ đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, đảng phái, tôn giáo, không phân biệt xu hướng chính trị; đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm, với mục tiêu: Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ. Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Không những thế, bằng nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Cùng với tập hợp lực lượng, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng, các tổ chức thành viên như: Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng; Hội Nông dân giải phóng; Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng; Hội Lao động giải phóng,… đã nhanh chóng ra đời. Các Ủy ban Mặt trận, các ban tự quản nhân dân ở các địa phương được thành lập và hầu hết các xã thuộc vùng giải phóng, vùng tranh chấp đều có cơ sở của Mặt trận.
Hệ thống Ủy ban Mặt trận các cấp vừa là nơi tập hợp, đoàn kết các giới, các dân tộc, tôn giáo, các thành phần chính trị ở địa phương, vừa làm nhiệm vụ xử lý những công việc của các đơn vị hành chính kháng chiến, giữ gìn trật tự trị an, hướng dẫn quần chúng sản xuất, học tập...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của Mặt trận Dân tộc giải phóng và cách mạng miền Nam, Trung ương Cục đã ra Chỉ thị 13-CTNT ngày 25/5/1968 về đổi tên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng các cấp thành Ủy ban nhân dân cách mạng. Tiếp đó, từ ngày 6 - 8/6/1969, Đại hội đại biểu Quốc dân ở miền Nam đã quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo vị thế chính trị mới cho phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam kế thừa hiệu kỳ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là lá cờ hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - người gắn bó với công tác Mặt trận lâu nhất hiện nay khi trải qua 10 đời Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến nay - trong các nghiên cứu của mình, ông khẳng định, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bày tỏ mong muốn nhân dân các nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được thành lập (ngày 10/6/1969), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có gần 30 đại sứ quán và cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Hoạt động ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng đóng vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh những hoạt động ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mặt trận tập trung vào sứ mệnh tuyên truyền, vận động nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng miền Nam Việt Nam, đấu tranh ngoại giao trực diện với Mỹ trên bàn đàm phán Hiệp định Paris đồng thời vận động nhân dân thế giới ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời và đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ thi hành Hiệp định Paris.
Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của quân giải phóng, tiến hành nhiều hình thức đấu tranh; kết hợp đấu tranh trên cả 3 mặt trận: Chính trị, quân sự và ngoại giao; kết hợp tiến công và nổi dậy, tổng khởi nghĩa, tổng tiến công,… tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại từng chiến lược chiến tranh, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào ngày 30/4/1975.
Từ ngày thành lập cho đến ngày chiến thắng 30/4/1975, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - ngọn cờ đoàn kết, cách mạng và chiến thắng của miền Nam đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: “Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ rộng rãi là một lực lượng tất thắng... đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
Lá cờ của khát vọng hòa bình, thống nhất
Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng MTTQ Việt Nam.
Trong bài thơ Nước non ngàn dặm, nhà thơ Tố Hữu đã viết, “Lá cờ nửa đỏ nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời/ Ngôi sao, chân lý của đời/ Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay” là nói đến lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và cũng là quốc kỳ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gọi là cờ giải phóng. Lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Với ý nghĩa: nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh dương) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình). Việc thiết kế lá cờ được giao cho kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, một kiến trúc sư tài hoa - người mà sau này, vào năm 1983, tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hiệp thương cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với quân dân miền Nam, trong những năm kháng chiến gian khổ, cờ giải phóng chính là ý chí, ngọn đuốc soi đường, thể hiện niềm tin, hy vọng về một ngày non sông thống nhất. Ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 Việt Nam tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; Quốc hội thành lập Nhà nước, Chính phủ thống nhất, đồng thời quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam.
Lê Ái