Là thành viên Ban Tư vấn phản biện xã hội Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín, ông Nguyễn Văn Tặng rất tâm huyết chuẩn bị ý kiến đóng góp về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Trong đó, ông đồng tình cao với sự cần thiết sửa Hiến pháp để cải cách bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Nguyễn Văn Tặng, Ban Tư vấn phản biện xã hội Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín chia sẻ: "Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là việc làm rất cần thiết. Tôi thấy là tâm đắc nhất đối với nội dung về xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Chúng ta thực hiện được điều này thì sẽ bỏ tầng lớp trung gian và tăng cường năng lực quản lý điều hành của chính quyền cấp xã".
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung. Thứ nhất, là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Thứ hai, là các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Tuy lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan 8/120 điều, song đây là yêu cầu cấp bách, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp diễn ra trong một tháng và kết thúc vào ngày 5/6. Bên cạnh các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, người dân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp.
Kim Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/mat-tran-ha-noi-gop-y-sua-doi-hien-phap-nam-2013-334147.htm