Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp TP. Đông Hà - Ảnh: P.N
Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi tư duy, phương thức lãnh đạo, quản lý và phục vụ Nhân dân. Nghị quyết số 57 nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Đối với hệ thống MTTQ Việt Nam, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong đổi mới nội dung, phương thực hoạt động và hội nhập sâu vào cuộc cách mạng số với các nội hàm: nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh mạng đối với MTTQ Việt Nam; nâng cao kỹ năng ứng dụng số của cán bộ trong hệ thống MTTQ Việt Nam; thúc đẩy, tạo đồng thuận xã hội trong các hoạt động chuyển đổi số quốc gia.
Thường xuyên ghi nhận và kịp thời phản ánh về các khía cạnh của chuyển đổi số từ các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh các phong trào thi đua, hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Bình dân học vụ số” ra diện rộng, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số vào các lĩnh vực của xã hội; hành động đồng bộ cùng chính quyền các cấp và khơi dậy tiềm năng, sáng tạo, sức mạnh của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trọng tâm của nhóm giải pháp này là hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh xây dựng các nền tảng dùng chung, kết nối liên thông các hệ thống thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Đưa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 01 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định nhóm giải pháp đồng bộ chuyển đổi số trong hệ thống MTTQ của tỉnh trong giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, số hóa, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ các cấp gắn với đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động. Ứng dụng CNTT, AI và dữ liệu số để nâng cao hiệu quả hoạt động của mặt trận, khuyến khích hình thành công dân số và xây dựng xã hội số an toàn.
Phát triển văn hóa số, giữ gìn bản sắc dân tộc, thực hiện quy tắc ứng xử trên mạng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số. Nâng cao nhận thức, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin và khí thế mới trong xã hội.
Thứ hai, triển khai kênh điều hành văn bản tự động trong toàn bộ hệ thống MTTQ. Quan tâm tới và tập trung phát triển kỹ năng thông qua việc cung cấp khóa đào tạo đầy đủ về CNTT để nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức. Áp dụng hệ thống quản lý công việc và giao tiếp trực tuyến để tăng cường hiệu quả công việc và chia sẻ thông tin.
Tạo môi trường thúc đẩy sáng tạo cho cán bộ, khuyến khích sử dụng công nghệ để giải quyết công việc và đề xuất sáng kiến. Chuyển đổi số trong tư duy, nắm bắt cơ hội và thách thức của thế giới kỹ thuật số. Sắp xếp tài liệu văn bản để tiến tới số hóa 100% cơ sở dữ liệu của MTTQ. Đảm bảo 100% cán bộ MTTQ Việt Nam có đủ kiến thức và kỹ năng xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Thứ ba, triển khai hạ tầng số, nền tảng số, kênh giao tiếp chung giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên gắn với xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Phối hợp kiểm tra, nâng cấp hệ thống mạng, đầu tư trang thiết bị đảm bảo tốc độ xử lý và an toàn theo tiêu chuẩn chuyển đổi số toàn tỉnh.
Đảm bảo kết nối mạng của MTTQ các cấp được kiểm soát và hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, hoàn thiện hạ tầng số, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, xã hội số. Xây dựng và dùng chung các nền tảng số, đảm bảo hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số.
Thứ tư, triển khai kênh giao tiếp mặt trận và các tầng lớp nhân dân gắn với các hoạt động giám sát, phản biện, tham gia xây dựng chính sách. Xây dựng và sử dụng phần mềm quản lý, theo dõi công tác giám sát, phản biện xã hội và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp xã.
Hoàn thiện tính năng và nâng cao an toàn cho các Cổng thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Bổ sung các module điều hành, chức năng tập hợp, xử lý và quản lý thông tin. Xây dựng giải pháp phần mềm thu thập thông tin hai chiều giữa người dân và MTTQ các cấp, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ để người dân thực hành dân chủ, đồng thời, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân để đề xuất lên cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thứ năm, triển khai kênh nắm bắt ý kiến người dân, dự đoán xu hướng dư luận và đánh giá sự hài lòng người dân thông qua sử dụng trí tuệ nhân tạo. Sử dụng AI để xử lý yêu cầu từ người dân, hỗ trợ 24/7, giảm khối lượng cuộc gọi và email, tăng hiệu suất bằng cách cung cấp thông tin chính xác trên trang web Chính phủ. AI phân tích dữ liệu nhanh chóng, cung cấp thông tin giá trị để cán bộ mặt trận tương tác tốt hơn với người dân, thực hiện chức năng cầu nối giữa Đảng và Nhân dân thông qua hệ thống MTTQ.
Việc triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị sẽ gặp nhiều khó khăn nên cần có sự chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới, cần sự quan tâm, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Mỗi người hãy tích cực tham gia phong trào “học tập số” để trở thành “công dân số”, góp phần đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.
Phúc Nguyên