Ông P.H.C (60 tuổi) chia sẻ từng đến một phòng khám tư tại Hà Nội để điều trị trĩ. Sau khi siêu âm, ông được tư vấn chỉ cần phẫu thuật bằng sóng cao tần trong 20-30 phút, có thể về nhà ngay, không đau, không tái phát và không để lại sẹo.
Tin vào lời hứa hẹn, ông chấp nhận chi trả 9 triệu đồng cho gói điều trị trung bình, phù hợp với mức thu nhập của mình.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, ông phải quay lại phòng khám hằng ngày kèm theo nhiều khoản phí phát sinh, tổng chi phí hơn 30 triệu đồng.
Dù vậy, tình trạng sức khỏe của ông C. càng tệ hơn. Hơn một tháng sau, ông đối mặt với những cơn đau dữ dội và tình trạng đi ngoài ngày càng khó khăn. Người bệnh tiếp tục quay lại phòng khám xử lý một lần nữa nhưng không đỡ.
“Khi tôi gọi điện nhờ hỗ trợ, họ bảo sẽ liên lạc với bác sĩ, nhưng không ai gọi lại nữa", ông C. tuyệt vọng.
Khi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông C. được đánh giá bị hẹp hậu môn độ 3, mức độ nặng nhất. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đắc Thao, Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết hậu môn của bệnh nhân lúc đó chỉ rộng khoảng 0,7cm, hoàn toàn không đủ để đi ngoài bình thường.
Ban đầu, các bác sĩ chỉ định phương pháp nong hậu môn với hi vọng tránh phải phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân càng đau đớn hơn, buộc đội ngũ y tế phải tiến hành phẫu thuật tái tạo hậu môn.
“Do bệnh nhân đã can thiệp hai lần trĩ trước đó nên mức độ tổn thương rất nghiêm trọng. Thầy thuốc quyết định sử dụng kỹ thuật chuyển vạt da để thay thế phần hẹp hậu môn, giúp mở rộng kích thước lên khoảng 3cm. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao”, bác sĩ Thao cho biết. Sau ca phẫu thuật, ông C. hồi phục ổn định.
Bác sĩ Thao khám lại cho người bệnh. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết nguyên nhân chính xác gây bệnh trĩ chưa được xác định rõ và thường phát triển ở người có các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, cản trở máu tĩnh mạch trở về. Do đó, máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ, to dần lên và thòi ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn.
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng thời gian rất lâu trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Thao cảnh báo mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khoảng 20 trường hợp biến chứng nặng từ các phòng khám tư, bao gồm: chảy máu, loét hậu môn, hẹp hậu môn, kông chỉ gây đau đớn mà còn có nguy cơ để lại di chứng suốt đời cho bệnh nhân.
Khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người dân hãy gặp bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng để được tư vấn, khám và điều trị bệnh hiệu quả:
- Chảy máu khi đại tiện
- Các khối thòi ra ngoài khi đại tiện, ngứa vùng hậu môn, đau
- Những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn
Võ Thu