Ngày 8/5, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Quyết (SN 1993, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mức án 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quyết là một trong những quản lý cấp trung tham gia hệ thống lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế quy mô lớn, hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Mở văn phòng khắp nơi để phục vụ sàn giao dịch ảo
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2018 đến tháng 10/2024, một đường dây lừa đảo tinh vi với quy mô liên tỉnh, xuyên quốc gia do Phó Đức Nam (SN 1994, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu cùng Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã móc nối với một đối tượng tên Uran (không rõ lai lịch) để đưa hơn 20 sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, trong đó có Soho Markets, về Việt Nam hoạt động trái phép dưới hình thức đầu tư tài chính. Mục đích thực chất là nhằm chiếm đoạt tài sản từ hàng nghìn người bị hại trên cả nước thông qua hình thức đầu tư vào các mã chứng khoán, kim loại, tiền tệ và giao dịch tỷ giá.
Phùng Văn Quyết tại tòa.
Để thực hiện hành vi, Nam và Ngọ tổ chức bài bản với việc thuê khoảng 40 văn phòng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác cùng lực lượng nhân sự mà đường dây này huy động lên tới khoảng 1.000 người, bao gồm cả trong và ngoài nước.
Riêng tại TP Đà Nẵng, từ 2023 đến tháng 10/2024, đã có tới 6 văn phòng của nhóm này hoạt động. Trong đó, Quyết trực tiếp điều hành hoạt động tại sàn Soho Markets đặt tại tòa nhà chợ siêu thị Nguyễn Kim (số 46 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Đường dây lừa đảo này hoạt động dưới lớp vỏ đầu tư chuyên nghiệp. Các nhân viên được đào tạo bài bản để học thuộc các mã cổ phiếu, thuật ngữ tài chính thật, từ đó tạo lòng tin cho người bị hại. Sau khi tiếp cận, các nạn nhân được đưa vào các nhóm mạng xã hội như Zalo, Telegram, nơi các thành viên công ty vào vai nhà đầu tư, chia sẻ các hình ảnh "lệnh chuyển tiền đầu tư thành công" đã được làm giả bằng photoshop. Những hình ảnh này được lan truyền trong nhóm để tạo niềm tin giả tạo về sự an toàn và lợi nhuận cao của hoạt động đầu tư.
Khi nạn nhân đồng ý tham gia, các nhân viên sẽ hướng dẫn tạo tài khoản trên nền tảng Meta Trader 4, kết nối với máy chủ sàn Soho Markets và nạp tiền.
Ban đầu, để tạo lòng tin, nạn nhân được phép rút một khoản tiền nhỏ như một hình thức "rút lời", song sau đó các đối tượng sẽ hướng dẫn nhập các lệnh đầu tư khiến tài khoản hiển thị số âm. Muốn chốt lãi, người đầu tư buộc phải tiếp tục nạp tiền vào. Nếu không làm theo, sàn sẽ gia tăng phí qua đêm, thậm chí khóa tài khoản.
Lật tẩy màn kịch “đầu tư sinh lời”
Một trong hàng nghìn nạn nhân của sàn đầu tư ảo Soho Markets do Quyết, Nam cùng các đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lập nên là anh Nguyễn Trọng Khải (trú huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk). Tháng 9/2023, anh Khải được Quyết xưng làm việc tại Công ty TNHH ZAVU, tiếp cận và mời chào đầu tư vào sàn Soho Markets.
Sau đó, Quyết mời anh Khải vào nhóm Zalo tên "16.LK GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ", do Quyết lập, cùng nhiều đồng phạm đóng giả làm "nhà đầu tư" để củng cố lòng tin. Quyết sử dụng tài khoản Zalo tên "Quang Huy" và chỉ đạo nhân viên tạo các bill chuyển tiền giả, rồi lan truyền trong nhóm để tạo niềm tin giả tạo rằng nhiều người đang đầu tư thành công nhờ sự hỗ trợ từ Quyết.
Nhóm của Phùng Văn Quyết cùng các đồng phạm đã lôi kéo các nạn nhân tham gia vào nhóm Zalo tên "16.LK GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ" để đầu tư chứng khoáng ảo, chiếm đoạt tiền thật.
Ngày 30/10/2023, tin vào lời hứa hẹn của Quyết sẽ nhận được 1.000 USD lợi nhuận nếu đầu tư 1.000 cổ phiếu Pfizer, anh Khải chuyển khoản 2.000 USD, tương đương 49.450.000 đồng. Sau đó, anh được rút về khoản tiền 48.710.000 đồng, Quyết nói khoản chênh lệch là do phí quy đổi.
Sau lần rút tiền suôn sẻ đó, anh Khải tiếp tục nạp thêm tiền nhưng lần này toàn bộ số tiền đã bị mất trắng theo đúng kịch bản các đối tượng dàn dựng... Tổng số tiền Quyết cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt của anh Khải là 5.042.450.000 đồng.
Không chỉ lừa đảo bằng hình thức kỹ thuật số, Quyết và chỉ đạo Nam cùng các đồng phạm còn xây dựng một hệ thống tài chính ngầm tinh vi nhằm rửa tiền và che mắt cơ quan chức năng. Các tài khoản ngân hàng sử dụng đều là tài khoản mua lại đứng tên các công ty "ma". Nguồn tiền sau khi được nạn nhân chuyển vào sẽ được chuyển tiếp qua các nền tảng trung gian như 9Pay, Apota, Ngân Lượng, Pig Pay, sau đó rửa tiếp qua các tiệm vàng. Thậm chí, nhóm này còn có một nhóm Telegram riêng tên “Peter” chuyên để liên lạc với các tiệm vàng nhằm quy đổi thành Đô la Mỹ hoặc vàng rồi đưa về tay Nam và Ngọ.
Sau khi chia hoa hồng 50% cho Uran, phần còn lại Nam và Ngọ chia nhau, trừ các khoản chi phí vận hành văn phòng, lương nhân viên. Riêng Quyết được hưởng khoảng 1- 3% trên tổng số tiền người bị hại nạp vào sàn Soho Markets, còn Trịnh Văn Thái (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng đồng phạm với Quyết) nhận từ 1-2% trên tổng số tiền từ các nạn nhân tại TP Đà Nẵng.
Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra đã thu giữ được số tiền hơn 4 tỷ đồng. Quyết đã bồi thường cho anh Khải số tiền 100 triệu đồng.
Theo HĐXX, trong vụ án này, hai kẻ chủ mưu là Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ. Vào ngày 30/10/2024, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ra quyết định khởi tố bị can đối với Nam và Ngọ; ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nam, ra quyết định truy nã đối với Ngọ. Tuy nhiên, Ngọ đã xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài vào ngày 11/5/2023 đến nay chưa có thông tin nhập cảnh. Đối với Trịnh Văn Thái đã xuất cảnh qua cửa khẩu Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh vào ngày 19/11/2023 đến nay chưa có thông tin nhập cảnh...
Riêng đối với Phùng Văn Quyết, HĐXX nhận định bị cáo giữ vai trò "quản lý cấp trung", bản thân đã điều hành một mạng lưới "16.LK GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ" tại Đà Nẵng để lừa đảo, chiếm đoạt của nạn nhân hàng tỷ đồng...,
Hoài Thu