Những nếp nhăn khắc ghi lịch sử
Trong niềm tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về ấp Long Thạnh, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thăm Bà mẹ VNAH Lê Thị Anh (SN 1933). Ký ức không còn rõ nét bởi tuổi tác dễ khiến người ta quên đi nhiều điều trong quá khứ nhưng nỗi đau chiến tranh dường như vẫn chưa nguôi trong lòng mẹ. Vì hòa bình mà biết bao người con của quê hương đã ngã xuống để có được, trong đó có chồng và con của mẹ.
Giọng chậm rãi, đôi mắt xa xăm hướng về quá khứ, mẹ Anh kể: “Hồi đó, vùng đất Long Trì gánh chịu biết bao trận bom đạn ác liệt. Cứ 4 giờ sáng, mẹ dậy đưa các con vào hầm trú ẩn. Sống trong lo sợ, không ngày nào mẹ yên lòng. Những lần đầu bom nổ dồn dập, mẹ lo sợ, không biết xoay xở ra sao. Lúc đó, chỉ biết ôm con nhảy xuống ao để tránh bom. Một đêm mấy lần như vậy, ngâm mình dưới nước. Sau này, mẹ tự tay đào hầm trong nhà, đắp đất che chắn, chỉ mong giữ được bình yên cho các con”.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Anh (ấp Long Thạnh, xã Long Trì, huyện Châu Thành) thường xuyên được các cấp chính quyền quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc bằng nhiều hoạt động thiết thực
Giữa những năm tháng kháng chiến ác liệt, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, chồng và các con của mẹ lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở quê nhà, mẹ một lòng tiếp sức cho cách mạng, là hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chờ ngày đất nước hòa bình. Nhưng rồi, nỗi đau ập đến, năm 1973, mẹ phải chứng kiến người con trai thứ ba là anh Nguyễn Văn On trúng đạn và gục xuống tại chỗ. Chưa kịp nguôi ngoai, năm 1974, chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Hai cũng nằm lại nơi chiến trường. Còn người con thứ hai của mẹ cũng trúng đạn nhưng may mắn được cứu sống.
Trải qua gần hết đường đời, nếm đủ ngọt bùi, cay đắng, mẹ hiểu được giá trị to lớn của hòa bình. Với mẹ, nhớ thương luôn xen lẫn tự hào về 2 người thân đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. “Mất chồng, mất con, đau lắm nhưng chiến tranh nào lại không có mất mát, hy sinh, vậy nên mẹ gắng gượng vượt qua, nuôi nấng những đứa con còn lại” - mẹ Anh nghẹn ngào chia sẻ.
Hiện tại, mẹ còn 6 người con (4 trai, 2 gái). Mẹ Anh nói: “Mẹ sống đến hôm nay, chỉ mong các thế hệ trẻ biết trân trọng hòa bình, sống có ích và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Được biết, năm 2016, mẹ Lê Thị Anh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Việc mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ. Mẹ Anh cho biết, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn dành sự quan tâm, chăm sóc mẹ bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. “Đảng và Nhà nước quan tâm đến gia đình mẹ chu đáo, đầy đủ. Những ngày lễ, tết, các ban, ngành, đoàn thể cũng đến động viên, mẹ cảm thấy rất vui” - mẹ Anh chia sẻ.
Ngày hôm nay, chúng ta may mắn được sống trong hòa bình, độc lập, hạnh phúc là nhờ vào sự hy sinh to lớn của biết bao anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng,...
Dành cả cuộc đời nuôi con, thờ chồng
Thấm thoát đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày thương binh Phạm Thị Hồng Thắm (SN 1948, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) nhận tin chồng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cũng là ngần ấy năm, bà âm thầm, lặng lẽ nuôi con khôn lớn nên người.
Năm 17 tuổi, bà thoát ly gia đình, tham gia vào Xưởng may A58 thuộc Đoàn Hậu cần 82 - Cục Hậu cần Miền (sau chuyển về A51 thuộc Đoàn 220 - Cục Hậu cần Miền), chuyên phục vụ quân trang cho bộ đội miền Đông Nam Bộ. Bà còn trực tiếp tham gia tải đạn, tải thương trong nhiều chiến dịch, từng bị mảnh bom văng trúng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Hiện bà là thương binh hạng 4/4.
Sau khi chiến tranh kết thúc, thương binh Phạm Thị Hồng Thắm (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) vẫn ở vậy một mình nuôi con, thờ chồng
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà và chồng (liệt sĩ Danh Bia, khi đó đang công tác tại kho vật tư y tế B27 thuộc Đoàn Hậu cần 82 - Cục Hậu cần Miền, sau thuộc Đoàn 220 - Cục Hậu cần Miền) quen biết và hứa hôn với nhau. Năm bà 22 tuổi, ông bà tổ chức đám cưới giữa chiến khu dưới sự chứng kiến của các đồng đội. “Lúc đó, chúng tôi chỉ có một tờ giấy ghi họ tên gia đình 2 bên rồi cùng ký tên, vậy mà hạnh phúc lắm!” - bà Thắm nói.
Năm 1971, họ có với nhau người con trai đầu lòng là anh Danh Thanh Hải. Do công tác ở 2 bộ phận khác nhau, chỉ gặp nhau mỗi tháng một lần nhưng những lần gặp gỡ ngắn ngủi đó lại là những giây phút hạnh phúc, đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng, niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu, khi người con trai vừa tròn 1 tuổi, bà hay tin chồng mất trong một trận bom của địch. Dù được chuyển về điều trị tại Bệnh viện K50 là Quân y viện thuộc Cục Hậu cần, Quân giải phóng miền Nam (sau này gọi là Cục Quân dân y miền Đông Nam Bộ, hay còn gọi là Miền B2) nhưng không qua khỏi.
Bà Thắm xúc động nói: "Ban đầu, đồng đội chưa dám nói, sợ tôi chịu không nổi, lại còn con nhỏ nhưng nhiều tháng liền không thấy chồng về thăm, tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Đến khi thủ trưởng báo tin, tôi như chết lặng. Thời điểm đó, lúc nào tôi cũng nghĩ đến cái chết, chỉ muốn đi theo chồng nhưng rồi nhìn đứa con thơ, tôi tự nhủ "nếu mình chết rồi thì ai sẽ lo cho con?"".
Trở thành vợ liệt sĩ ở tuổi 24, nén nỗi đau, bà cố gắng sống để thay chồng chăm lo cho con và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Sau khi trở về, vì không yên lòng, suốt hơn 3 năm, bà lặn lội tìm kiếm nơi chôn cất chồng. Đến nay, hài cốt của ông được quy tập và đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Giờ đây, con trai bà đã trưởng thành, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc. Bà sống cùng con cháu trong căn nhà ấm cúng, đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương. “Tuổi này rồi, nhìn thấy con cháu khôn lớn, ăn học thành tài, tôi mãn nguyện lắm!” - bà Thắm chia sẻ, ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc dịu dàng của một người mẹ, người vợ đã vượt qua biết bao bão giông cuộc đời.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát của chiến tranh vẫn còn đó. Ngày hôm nay, chúng ta may mắn được sống trong hòa bình, độc lập, hạnh phúc là nhờ vào sự hy sinh to lớn của biết bao anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng,... Đó là nền tảng thiêng liêng để chúng ta tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương, đất nước ngày một phồn vinh, giàu đẹp hơn./.
Tuệ An