Tính riêng ở Nhật, doanh số bán ra các loại máy ảnh kỹ thuật số đạt mốc 1,2 triệu chiếc, tăng 7% so với năm trước, đảo ngược xu hướng giảm sút trong 13 năm liên tiếp trước đó. Doanh số máy ảnh ở Nhật đạt mức cao nhất là 10,4 triệu chiếc vào năm 2010, sau đó cứ giảm dần. Thị trường sụt giảm mạnh nhất trong những năm đại dịch Covid-19, vừa do nhu cầu giảm sút vừa do các nhà sản xuất ngưng nhiều mẫu mã vì thiếu chip và đứt gãy các chuỗi cung ứng linh kiện. Sau đó các hãng bỏ qua dòng máy rẻ tiền, tập trung vào các dòng máy ảnh chuyên nghiệp có biên lợi nhuận cao hơn.
Ngày trước khi bước vào các cửa hàng Sony, chúng ta thấy đa dạng các loại máy từ rẻ tiền 2-3 triệu đồng, phổ biến nhất là khung giá 5-7 triệu đồng, đến máy chụp ảnh chuyên nghiệp cả trăm triệu. Nay loại máy compact giá rẻ biến mất; loại thấp nhất được quảng bá dành cho giới làm vlog cũng đến 15-18 triệu/chiếc, còn lại là từ vài chục triệu đồng trở lên. Chính vì thế sự sôi động của dòng máy compact một phần đến từ hàng đã qua sử dụng trên eBay, Facebook hay TikTok với những tên tuổi từng quen thuộc như Nikon Coolpix, Canon Powershot, Sony Cybershot...
Lý do đầu tiên khiến giới trẻ đang dần chuộng lại máy ảnh compact vì họ cảm thấy ảnh chụp bằng điện thoại di động “phẳng lỳ”, thiếu cảm xúc, được xử lý tự động quá mức. Điện thoại di động cao cấp y như một chiếc máy tính mạnh, đủ sức xử lý ảnh để bù sáng, tô màu đẹp, làm bóng da, bổ sung chi tiết bị mờ… Nói chung giới trẻ cho rằng ảnh chụp bằng điện thoại di động không khác gì ảnh do AI tạo ra - rất “vô hồn”. Họ chuộng ảnh chụp bằng máy ảnh thông thường dù chất lượng có thể xấu hơn nhưng “thực” hơn.
Nhiều người thích máy ảnh compact vì các nút bấm, nút xoay vật lý. Với những thế hệ đã quen với màn hình cảm ứng, nút bấm vật lý đem lại cho họ một trải nghiệm mới lạ, kèm theo đó là cảm giác kiểm soát tốt hơn. Với họ, cầm chiếc máy ảnh trên tay đem lại xúc cảm thật hơn so với cầm chiếc điện thoại mỏng. Với các loại máy ảnh compact đời cũ, dung lượng thẻ nhớ có giới hạn, làm người chụp cân nhắc từng tấm ảnh thay vì bấm lia lịa khi xài điện thoại di động. Chụp thận trọng từng ảnh cho họ ấn tượng sáng tạo qua từng khung hình.
Vấn đề là liệu nhu cầu mới phục hồi này có đủ để thuyết phục các nhà sản xuất quay trở lại các dòng máy ảnh compact giá phải chăng? Chẳng hạn chiếc Sony Cybershot W830 ra mắt vào năm 2014 với giá chừng 2,5 triệu đồng, nay Amazon chào bán với giá trên 5 triệu đồng. Hàng loạt dòng máy được giới thiệu cách đây 10 năm nay đều được ghi giá bán cao gấp đôi mà cũng rất hiếm hàng.
Có thể thấy các nhà sản xuất đang muốn dung hòa, một mặt cố gắng đáp ứng nhu cầu đang cao dần nhưng mặt khác không muốn rủi ro khi quay trở lại thị trường máy compact giá rẻ. Điển hình như hãng Fujifilm của Nhật Bản với dòng X100, cũng là dòng point-and-shoot nhưng hướng đến dân chơi chuyên nghiệp hơn là người tiêu dùng đại trà. Dòng X100V của hãng với giá chừng 1.500 đô la bán rất chạy nên đóng góp đến 37% lợi nhuận của hãng trong năm tài chính 2023.
Trước đây, do ngành sản xuất phim sụp đổ, cộng với sự sụt giảm doanh số máy ảnh kỹ thuật số, Fujifilm phải quay sang các ngành nghề khác, kể cả chăm sóc y tế để tìm cách tồn tại. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Fujifilm được biết đến qua các sản phẩm thuốc chống virus hay vaccine chứ không phải là máy ảnh. Nay sự phục hồi của dòng máy X100 đã giúp Fujifilm quay lại sản phẩm chính với phiên bản mới nhất X100VI vừa ra mắt vào năm ngoái.
Nguyễn Vũ