Lúa chín vàng trên những sườn đồi của huyện Đakrông - Ảnh: S.H
Tôi qua miền đất A Bung, A Ngo vào đầu mùa đông, thấy thấp thoáng bóng dáng cô gái Pa Kô bên khung cửa sổ của những ngôi nhà sàn nâu cũ đang miên man vũ điệu ngón tay búp măng trên khung cửi lách cách dệt váy, áo, thắt lưng cho mình hay tấm vải quấn quanh người, khố cho người yêu để chuẩn bị bước vào mùa Ada Koonh. Gam màu thổ cẩm chủ đạo đỏ - đen tượng trưng cho sự sống, sức mạnh của đồng bào dân tộc Pa Kô như màn khiêu vũ của ánh sáng và bóng tối giữa mùa đông lạnh giá phủ khắp núi rừng Trường Sơn.
Tôi ngồi tĩnh tại, thảnh thơi trong căn nhà sàn ấm cúng của vị già làng khả kính, rồi phóng tầm mắt theo nhấp nhô sườn đồi nằm cạnh bản làng đang vào mùa lúa rẫy, nếp than, nếp huyết chín vàng rực. Chợt với tay xuống sàn nhà ngập tràn lúa rẫy, nếp than, nếp huyết với muôn mây bay về hoan vũ.
Vị già làng nói với tôi rằng, thuở xa xưa người Pa Kô sống du canh, du cư khắp đại ngàn Trường Sơn. Trong hành trình ấy, người Pa Kô luôn mang theo bên mình các giống lúa này để gieo trồng trên những đám rẫy vừa phát xong... Còn bây giờ, giống lúa rẫy, nếp than, nếp huyết không chỉ hiện diện trên nương rẫy mà đã “di cư” nảy mầm, vươn nhánh, trĩu hạt trên cánh đồng ruộng nước xung quanh các bản làng.
Ngày xưa, muốn trồng được lúa, ngay từ đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch) dân bản phải lên đồi cao chặt cây, phát sim mua, cỏ tranh để hình thành nên đám rẫy, rồi sau đó chờ nắng ráo mới đốt thực bì cho khói quyện vào mây.
Đến tháng 4 bắt đầu mang hạt giống lên rẫy, dùng cây chọc lỗ để tra hạt giống xuống. Phải đến tháng 11, tháng 12 thì mới vào vụ gặt lúa rẫy, nếp than, nếp huyết. Cũng có thể các giống lúa này trồng trên đồi cao, ở lưng chừng núi với mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông rét buốt, sương giá nên năng suất thấp.
Cứ đầu vụ gieo một a chói, cuối vụ gặ t được khoảng 7 - 8 a chói xem như vụ đó được mùa. Trong những tháng ngày chờ đợi lúa cần mẫn chắt lọc tinh chất màu mỡ từ thổ nhưỡng của núi đồi để chắc hạt, trĩu bông, đồng bào dân tộc Pa Kô thường dựng chòi canh trên nương rẫy. Vì đến mùa lúa chín vàng trên sườn đồi, nhiều loài hoang thú trong rừng tìm về ăn và phá nương rẫy. Vì thế, dân bản phải dựng chòi canh ngay cạnh đó để xua đuổi đám thú rừng hung dữ.
Chòi canh rẫy phải đảm bảo độ cao để tránh thú dữ tấn công và quan sát được nương rẫy của gia đình. Trong chòi canh phải trang bị cung, nỏ đủ dùng cho người canh rẫy đối phó với mọi loài thú rừng. Hóa ra, để có được vụ lúa làm các loại bánh cúng tổ tiên, cúng Yàng, đồng bào dân tộc Pa Kô cũng gian truân, vất vả như cây lúa rẫy, nếp than, nếp huyết vươn mình trong sương giá, nắng lửa.
Lúa nếp than trĩu hạt trên những thửa ruộng thiếu nước - Ảnh: S.H
Còn nhớ, có lần tôi theo Chủ tịch UBND xã A Ngo, huyện Đakrông Hồ Tất Huấn ra thăm diện tích 0,25 ha trồng nếp than cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay (bản A Đeng) và bắt gặp nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện nơi anh. Anh nói với tôi rằng, bây giờ nếp than không chỉ để dâng cúng tổ tiên, cúng Yàng trong những mùa lễ hội của đồng bào dân tộc Pa Kô, mà đã trở thành sản phẩm OCOP của huyện Đakrông với mùa màng bội thu trên cánh đồng ruộng nước.
Giống nếp than xưa thường được đồng bào Pa Kô gieo trồng trên nương rẫy hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà không hề có sự chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh nên năng suất rất thấp; không được tuyển chọn qua các vụ sản xuất nên dần bị thoái hóa...
Để bảo tồn cũng như nâng cao giá trị kinh tế từ giống nếp than, thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, vụ hè thu 2019 đến nay, huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân ở xã Tà Long, huyện Đakrông, xây dựng mô hình trồng nếp than trên chân ruộng thường xuyên thiếu nước. Giống nếp than cho năng suất 38 - 39 tạ/ha.
Đến nay, người dân ở bản Tà Lao, Ly Tôn (xã Tà Long) tiếp tục mở rộng diện tích trồng nếp than. Còn tại xã A Ngo, vụ hè thu 2021, huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng nếp than thí điểm trên diện tích 0,25 ha cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay (bản A Đeng), cho năng suất 40 tạ/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình mang lại lợi nhuận cho các hộ dân tham gia khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha. Hiện tại, xã A Ngo tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nếp than lên 20 - 25 ha trên địa bàn xã trong thời gian tới.
Bằng vốn hiểu biết tận tường từng lễ, hội của người dân tộc Pa Kô, Chủ tịch UBND xã A Bung, huyện Đakrông Hồ Văn Hiền chia sẻ, người dân tộc Pa Kô có rất nhiều lễ hội. Đối với lễ hội Ada Koonh, người Pa Kô thường tổ chức trong tháng 12 (dương lịch) hàng năm. Khi lúa thu hoạch xong, cũng là lúc các trưởng họ sẽ nhóm họp tại nhà già làng, trưởng bản để ấn định ngày tổ chức lễ hội Ada Koonh. Trước ngày diễn ra lễ hội, các gia đình trong bản sẽ chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên, cúng Yàng tùy theo điều kiện của từng gia đình.
Suốt đêm hôm ấy, phụ nữ trong bản sẽ đảm nhiệm việc nấu cơm, cho nếp than, nếp huyết vào ống tre để nấu, nướng và gói các loại bánh. Còn đàn ông thì mổ trâu, bò, lợn, gà. Từ sáng sớm, tất cả các gia đình mang lễ vật đến nhà thờ Yàng của từng dòng họ để các trưởng họ dâng cúng với nhiều nghi lễ như: tẩy rửa, chuẩn bị, mời “mẹ lúa” vào nhà, cúng Yàng, cúng những người đã khuất, lễ ăn cơm mới... và kết thúc bằng nghi lễ tiễn khách.
Tất cả các nghi lễ trong lễ hội Ada Koonh đều thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn Yàng; nguyện cầu mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu. Lễ hội Ada Koonh không chỉ dâng cúng thần linh, mà còn là lễ hội thể hiện tình đoàn kết, gắn bó thiêng liêng giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Những năm trở lại đây, trong các sản vật dâng cúng không còn giới hạn là tro ra dư, đệp cù cha, đệp a hăm được trồng trên nương rẫy, mà đã có sự hiện diện của hạt cơm thơm, nếp than béo bùi được giã sàng từ hạt lúa ra dư, đệp cù cha trồng trên diện tích ruộng nước. Đó là cả hành trình đổi thay lớn lao trong tập quán canh tác để hướng đến những vụ mùa bội thu, ấm no, giàu có của đồng bào dân tộc Pa Kô.
Núi rừng Trường Sơn sau đêm đông dài lạnh giá thường ảo mờ trong làn sương mây buổi sáng. Trước khi rời miền đất lễ hội, tôi ngắm lần nữa nương rẫy đang vào mùa lúa chín vàng. Rẫy bám trên sườn đồi; rẫy chạy dọc bờ suối; rẫy ngự trên đỉnh đồi rồi mất hút trong sương mây. Bao quanh các bản làng, lúa ra dư, đệp cù cha cũng đang ngậm sữa cúi đầu trên cánh đồng ruộng nước.
Một mùa Ada Koonh nữa lại về trên bản làng vùng cao.
Sỹ Hoàng