Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH - sàn HoSE) vừa thông qua một số kế hoạch năm 2025 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 5.500 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 11% so với mức thực hiện của năm 2024.
Năm ngoái, doanh nghiệp dệt may này đặt mục tiêu doanh thu ở mức 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,5% và 20,5% so với năm 2023. Trên thực tế, May Sông Hồng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến hơn 514 tỷ đồng, hoàn thành 146% mục tiêu đề ra.
Với hơn 20 xưởng sản xuất được xây dựng tập trung tại tỉnh Nam Định và khoảng 15.000 lao động, May Sông Hồng là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là các mặt hàng có giá trị cao như áo khoác, áo jacket, áo vest, chăn ga gối…
May Sông Hồng hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lớn nhất Việt Nam.
Năm 2024 được xem là một năm "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù nửa đầu năm tình hình đơn hàng vẫn căng thẳng nhưng tình thế đảo chiều khi bất ổn chính trị tại một số quốc gia sản xuất lớn như Bangladesh đã giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tranh thủ được cơ hội chốt đơn hàng. Qua đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt mục tiêu 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.
Ngay từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến hết quý 1/2025, một số có đơn hàng đến cuối quý 2/2025. Các hãng chứng khoán cùng chung nhận định lượng đơn hàng sẽ tăng lên trong những tháng tới khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm phục hồi nhẹ, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ thời trang lớn trên thế giới vào cuối năm 2024 đang ở mức hợp lý, dư địa bổ sung hàng tồn kho mới trong tương lai vẫn còn và xu hướng dài hạn chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đối mặt với các rủi ro thuế quan khi Mỹ đang chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết công ty đã chủ động triển khai một số giải pháp chiến lược nhằm vượt qua các thách thức trên. Trong năm 2024, công ty đã hoàn tất việc thành lập công ty liên kết tại Ai Cập nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư vào thị trường này. Công ty hiện sở hữu 50% vốn tại công ty liên kết, với tổng vốn đầu tư tính đến cuối tháng 9/2024 là khoảng 41 tỷ đồng.
Bên cạnh việc khai thác lợi thế từ đầu tư sang Ai Cập, May Sông Hồng sẽ tăng cường đầu tư cho hoạt động R&D.
Ai Cập được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng nhờ lợi thế chi phí nhân công thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Đồng thời, hiệp định thương mại tự do của Ai Cập với Israel cho phép miễn thuế 100% cho hàng xuất khẩu sang Mỹ từ Ai Cập, và với lợi thế địa lý, hàng hóa từ Ai Cập dễ dàng được vận chuyển đến Mỹ và EU với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, May Sông Hồng sẽ tiếp tục tăng cường năng lực Nghiên cứu và Phát triển để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu như sản xuất FOB cấp 2 (tự lựa chọn nguyên liệu), sản xuất ODM (tự thiết kế mẫu) và OBM (có thương hiệu riêng).
"Sản xuất cao hơn trên chuỗi giá trị dệt may phụ thuộc rất lớn vào nghiên cứu phát triển. Sông Hồng đã và vẫn đang tập trung vào R&D để từ từ chuyển dịch theo chiều sâu theo hướng công nghệ cao hơn, chất lượng cao hơn", bà Nguyễn Thị Ninh - Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho biết.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 sắp tới, HĐQT May Sông Hồng còn dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 2:1, qua đó củng cố năng lực tài chính cho việc mở rộng sản xuất.
Duy Quang