Theo báo cáo từ Knight Frank Việt Nam, thị trường khách sạn TP.HCM ghi nhận tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, giá thuê trung bình phòng khách sạn cao cấp đạt 152 USD/đêm, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Khó khăn tạm qua
Một số khách sạn khu vực trung tâm TP.HCM thậm chí ghi nhận mức giá thuê lên tới 200 USD/đêm, tiệm cận hoặc vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Đồng thời, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt hơn 70%, được thúc đẩy bởi chính sách visa thông thoáng hơn và sự gia tăng khách quốc tế.
Tương tự, dữ liệu từ Avison Young Việt Nam cho thấy giá thuê trung bình toàn thị trường khách sạn TP.HCM hiện đạt khoảng 108 USD/đêm, tăng gần 4% so với năm 2024.
Công suất phòng tại nhiều khách sạn cũng vượt mốc 80%. Con số từng xa vời trong giai đoạn khủng hoảng 2019-2021, khi giá thuê giảm từ 107 USD còn 61 USD và công suất phòng giảm từ 69% xuống 24%.
“Thị trường đang quay lại đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi của du lịch quốc tế và các hội nghị, hội thảo. Tuy nhiên, để giữ được lợi thế, các khách sạn cần tập trung vào nhóm khách trung thành – những người có mức chi tiêu cao và lưu trú lâu ”, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, nhận định.
Thị trường khách sạn được dự báo cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của loạt tên tuổi trong và ngoài nước.
Song song với sự phục hồi của thị trường là làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu khách sạn quốc tế vào thị trường Việt Nam. Báo cáo từ Savills Hotels chỉ ra rằng trong vòng 3 năm tới, dự kiến 40% khách sạn trung và cao cấp ở Việt Nam sẽ liên kết với các thương hiệu nước ngoài – tăng 10% so với hiện tại.
Các “ông lớn” như Hilton, Marriott, Accor, Wink Hotels… liên tục mở rộng thị phần. Đơn cử, Marriott International đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam để đón đầu nguồn khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Hilton thì đặt mục tiêu nhân đôi số khách sạn tại Việt Nam trong vài năm tới.
Mới đây, The Trump Organization cũng công bố siêu dự án tổ hợp khách sạn, sân golf trị giá 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên, tạo hiệu ứng mạnh trên toàn thị trường.
Không chỉ TP.HCM, các đô thị lớn khác như Hải Phòng cũng đang nổi lên như “điểm nóng” đầu tư khách sạn. Wink Hotels vừa khai trương khách sạn thứ 6 tại thành phố cảng, trong khi đó Accor đã đưa thương hiệu Pullman vào hoạt động tại đây. Ngoài ra, hàng loạt khách sạn 5 sao khác cũng đang xây dựng, như Wyndham Dragon Ocean, Hilton Đồi Rồng hay M’Gallery Cát Bà (giai đoạn 2)…
Cạnh tranh khốc liệt
Diễn biến thực tế chỉ ra thị trường khách sạn đang trở lại đường ray phục hồi, tuy nhiên, sức cạnh tranh được dự báo ngày càng trở nên gay gắt. Việc hàng loạt thương hiệu lớn với tiềm lực tài chính nhảy vào thị trường khiến các khách sạn nội địa đối mặt áp lực lớn.
Anh Nguyễn Mạnh Tân, quản lý cao cấp một khách sạn 4 sao quy mô hơn 100 phòng tại phường Minh Phụng mới (TP.HCM) cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng trong quý II vừa qua tăng đáng kể, đạt bình quân khoảng 75–80% so với chỉ 40-50% trong năm 2024.
“Nhưng chúng tôi vẫn không vui trọn vẹn vì giá phòng phải điều chỉnh để cạnh tranh. Cạnh tranh giờ không còn giữa khách sạn nội địa với nhau mà là cạnh tranh với các chuỗi quốc tế vừa có công nghệ tốt, vừa có hệ sinh thái dịch vụ vượt trội”, anh Tân chia sẻ.
Anh Tân cũng cho hay, nhiều khách sạn nhỏ đang phải đầu tư mạnh cho công nghệ như hệ thống đặt phòng tự động, tích hợp thanh toán số, nâng cấp phòng ốc... để theo kịp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ nguồn lực để thực hiện.
“Làm mới là một chuyện, nhưng duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng và giữ chân khách quen mới là thách thức lớn hơn. Một khách sạn quốc tế có thể kéo khách quay lại nhờ thương hiệu toàn cầu, trong khi chúng tôi phải dùng dịch vụ cá nhân hóa và lòng hiếu khách để giữ họ”, anh Tân nói thêm.
Có thể thấy, dù thị trường đang hồi phục và kỳ vọng đạt đỉnh vào năm 2025 với lượng khách quốc tế dự báo tăng mạnh (chỉ riêng TP.HCM là 22–23 triệu lượt), song không phải tất cả khách sạn đều sẽ được hưởng lợi ngang nhau.
Những đơn vị nhanh chóng thích nghi với xu hướng công nghệ, tối ưu chi phí vận hành, và xây dựng chiến lược giữ chân khách hàng mới có thể trụ vững. “Không có khách sạn nào đủ lớn để bỏ qua cuộc chiến giành khách trung thành”, ông Sơn Hoàng, Phó giám đốc Knight Frank Việt Nam nhấn mạnh.
Để tăng sức cạnh tranh, theo chuyên gia, các đơn vị cần tạo điểm khác biệt trong trải nghiệm dịch vụ. Các khách sạn quốc tế có ưu thế về hệ thống, nhưng khách sạn nội địa vẫn có thể tạo lợi thế nếu biết cách khai thác văn hóa, ẩm thực và yếu tố địa phương để làm hài lòng du khách.
Tựu trung lại, ngành khách sạn Việt Nam đang sống trong giai đoạn phục hồi với những chỉ số tăng trưởng đầy hứa hẹn. Nhưng đi kèm cơ hội là thách thức, khi “cuộc đua” giành thị phần đang nóng lên từng ngày.
Trong bối cảnh hàng loạt thương hiệu quốc tế “đổ bộ”, bài toán đặt ra cho các khách sạn trong nước không chỉ là lấp đầy phòng, mà còn là làm sao để tồn tại và tăng trưởng bền vững.
“Thị trường có thể tốt hơn, khách có thể đông hơn, nhưng nếu các khách sạn không thay đổi nhanh, không đầu tư đúng hướng thì tất yếu sẽ bị loại khỏi cuộc đua ngày càng khốc liệt. Thị trường khách sạn hiện không còn là thời đại ai trụ được là thắng, mà là thời đại ai đổi mới nhanh, giữ chân khách tốt, quản trị hiệu quả thì mới tồn tại lâu dài”, một chuyên gia khẳng định.
Hưng Nguyên