Mazda Connect là hệ thống thông tin - giải trí được trang bị trên các dòng xe như Mazda3 (2014 - 2021) và một số mẫu xe khác.
Báo cáo chỉ ra rằng tin tặc có thể khai thác các lỗ hổng này thông qua việc cắm USB chứa mã độc vào cổng kết nối trên xe. Điều này tạo nguy cơ lớn trong các tình huống xe được mang đi bảo dưỡng, sử dụng dịch vụ đỗ xe hộ hoặc khi chủ xe kết nối các thiết bị không rõ nguồn gốc.
Ảnh: hackread
Dù không có khả năng tấn công từ xa hoặc gây nguy hiểm tới tính năng an toàn chủ động như tự lái, các hacker vẫn có thể truy cập vào dữ liệu cá nhân, xâm nhập thiết bị kết nối như điện thoại và phá hỏng hệ thống thông tin - giải trí.
Trang CyberInsider cho biết, Mazda hiện chưa đưa ra bản cập nhật để vá các lỗ hổng này. Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo chủ xe nên: hạn chế sử dụng USB lạ; tránh cho bên thứ ba không rõ nguồn gốc tiếp cận xe; cập nhật phần mềm khi có thông báo từ hãng.
Tại Việt Nam, nhiều gara và xưởng sửa chữa cung cấp dịch vụ hack CMU để kích hoạt các tính năng ẩn của Mazda Connect trên các dòng xe như Mazda2, Mazda3, Mazda6, CX-5 và CX-8.
Việc can thiệp này có thể vô tình mở thêm lỗ hổng, khiến xe trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho tin tặc.
Trong bối cảnh Mỹ đang xem xét cấm các dòng xe Trung Quốc vì lo ngại vấn đề an ninh mạng, phát hiện này cho thấy ngay cả các nhà sản xuất xe hàng đầu như Mazda cũng không tránh khỏi rủi ro. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành công nghiệp ô tô trong việc đảm bảo an toàn số hóa trên xe hiện đại.
Mazda và các hãng xe khác cần hành động nhanh chóng để củng cố niềm tin của khách hàng và giảm thiểu rủi ro từ những tiến bộ công nghệ đang ngày càng phổ biến trên ô tô.
Linh Dương