MB muốn chi nghìn tỷ mua lại cổ phiếu quỹ

MB muốn chi nghìn tỷ mua lại cổ phiếu quỹ
15 giờ trướcBài gốc
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố bổ sung tài liệu cho phiên họp thường niên năm 2025 về phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ.
Theo Hội đồng quản trị, mục đích của kế hoạch nhằm "bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB".
Phương thức thực hiện là khớp lệnh, ngân hàng dự kiến thực hiện trong năm nay hoặc năm sau khi nhận được sự phê duyệt, hướng dẫn của cơ quan nhà nước.
Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất. Cuối năm 2024, khoản thặng dư vốn cổ phần của MB ở mức 1.300 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu MBB trên thị trường chứng khoán có mức giá 23.250 đồng/cổ phiếu, tăng 6,5% so với đầu năm. Tính theo mức giá này, MB có thể chi ra hơn 2.300 tỷ đồng để hoàn thành thương vụ. Vốn điều lệ dự kiến giảm còn khoảng 60.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu MB thực hiện mua vào cổ phiếu quỹ.
Năm 2019, ngân hàng này đã thực hiện mua vào hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương khoảng 43,5% tổng số lượng đăng ký ban đầu là 108 triệu cổ phiếu. Giá mua bình quân đạt khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu, với tổng giá trị chi ra hơn 1.035 tỷ đồng.
Tuy vậy, đến tháng 3/2020, MB bán ra gần 21,44 triệu cổ phiếu quỹ với giá 26.730 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 573 tỷ đồng.
Phần cổ phiếu quỹ còn lại – hơn 25,6 triệu đơn vị – được ngân hàng chia “miễn phí” cho cổ đông hiện hữu vào cuối năm 2020, tương đương tỷ lệ khoảng 0,924%.
Tuy nhiên, theo Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bắt buộc phải hủy số lượng cổ phiếu quỹ đã mua, giảm vốn điều lệ. Do đó, với kế hoạch lần này, MB sẽ không thể "trading" cổ phiếu quỹ như trong đã thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.
Được biết, cổ phiếu quỹ là cổ phiếu do công ty phát hành tự mua lại trên thị trường và nắm giữ, không có quyền biểu quyết, không được nhận cổ tức và không được tính vào vốn điều lệ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp thường thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ khi giá trị vốn hóa công ty xuống dưới mức kỳ vọng. Qua đó, việc mua lại cổ phiếu quỹ nhằm kích cầu bên mua, góp phần tăng giá cổ phiếu.
Như trong năm 2024, “đại gia” ngành bất động sản là Vinhomes đã tiến hành thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, công ty địa ốc này đã mua 247 triệu cổ phiếu trong giai đoạn từ ngày 23/10 - 21/11/2024. Kể từ khi công bố kế hoạch vào đầu tháng 8/2024, đến nay, thị giá của cổ phiếu VHM đã tăng gần 60%.
Phát hành cổ phiếu tăng vốn
Song song với kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ, trước đó, MB đã công bố kế hoạch chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 35%, trong đó 32% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt. Với cổ tức bằng tiền, MB dự kiến chi ra hơn 1.800 tỷ đồng để trả cho cổ đông.
Về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB muốn tăng thêm tối đa gần 20.350 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua hai hình thức.
Đầu tiên là kế hoạch chào bán 62 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng thêm 620 tỷ đồng từ việc tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông 2024 thông qua.
Bên cạnh đó, MB dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 32% từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của ngân hàng năm 2024. Tổng giá trị phát hành dự kiến gần 19.726 tỷ đồng.
Số cổ phiếu phổ thông phát hành để trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện trong năm 2025 sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận.
Nếu được thông qua và thực hiện thành công, vốn điều lệ của MB sẽ đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, vượt VPBank (79.340 tỷ đồng) và Techcombank (70.650 tỷ đồng) để trở thành ngân hàng tư nhân có quy mô vốn lớn nhất hệ thống.
Nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7,7 tỷ đồng, bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng. Đồng thời đầu tư bổ sung vốn hoạt động, mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh... là 12,6 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2025, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm 2024, đạt khoảng 31.710 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản tăng 21,2%, đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,7%.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/mb-muon-chi-nghin-ty-mua-lai-co-phieu-quy-d39815.html