Dẫn nguồn từ Báo Điện tử Tiếng Nói Việt Nam, chị N.T.T. (30 tuổi, quê Thanh Hóa) sống cùng mẹ chồng trong căn nhà ba gian đơn giản, trong khi chồng chị đi xuất khẩu lao động. Mặc dù chị luôn cố gắng hoàn thành bổn phận, chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột, lo liệu công việc nhà cửa và quan hệ với mọi người xung quanh, nhưng những mâu thuẫn nhỏ nhặt dần dần tích tụ, khiến cuộc sống của chị trở nên ngột ngạt.
Khi con trai đi làm xa, bà mẹ chồng dồn hết kỳ vọng và yêu cầu khắt khe lên người con dâu. Bà để ý từng hành động của chị, từ việc nấu ăn, giặt giũ đến việc đi đâu, làm gì. Chỉ cần không hài lòng, bà sẽ ngay lập tức góp ý, thậm chí trách móc. Ban đầu, chị cố gắng nhẫn nhịn, nhưng càng về sau, sự căng thẳng càng gia tăng.
Bà liên tục nhắc về chuyện tiền bạc, trách con trai gửi tiền ít, ngầm ám chỉ con dâu không biết quản lý chi tiêu. Mỗi lần như vậy, chị cảm thấy tủi thân và buồn bã. Mặc dù chị cũng đi làm và kiếm tiền, nhưng trong mắt mẹ chồng, mọi nỗ lực của chị đều không có giá trị.
Mối quan hệ căng thẳng với mẹ chồng khiến chị T. mệt mỏi. Ảnh minh họa
Kể từ khi chồng đi làm xa, chị T. dần mất đi những giấc ngủ ngon. Ban đầu, chị chỉ trằn trọc vài đêm, nhưng dần dần tình trạng mất ngủ trở nên thường xuyên. Đêm khuya, chị thức giấc với tim đập nhanh, người đổ mồ hôi, cảm giác nghẹt thở như có thứ gì đó đè nặng lên ngực. Chị lo sợ rằng mình mắc phải bệnh tim hay một chứng bệnh nghiêm trọng. Không ít lần, người nhà phải đưa chị đi cấp cứu trong đêm, nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân rõ ràng, chỉ khuyên chị nghỉ ngơi và ăn uống điều độ.
Sau một thời gian, chị trở nên nhạy cảm hơn, dễ cáu gắt và hay xúc động. Chỉ cần mẹ chồng nói một câu nặng lời, chị cũng có thể rơi nước mắt. Từ đó, chị cảm thấy sợ hãi, sợ về nhà, sợ những bữa cơm gia đình căng thẳng, sợ những ánh mắt dò xét của mẹ chồng. Cảm giác cô đơn bao trùm ngay trong chính ngôi nhà mình.
Đầu năm 2025, khi tình trạng mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống, chị quyết định đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh. Kết quả chẩn đoán cho thấy chị bị rối loạn thần kinh thực vật. Sau 15 ngày điều trị, tình trạng của chị được cải thiện, nhưng chỉ vài tháng sau, chứng mất ngủ lại tái phát, nghiêm trọng hơn trước.
Chị T. trở nên nhạy cảm, sợ hãi, rơi vào tình trạng mất ngủ vì những lời trách móc của mẹ chồng. Ảnh minh họa
Cuối cùng, chị tìm đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Sau hàng loạt kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ kết luận chị mắc chứng rối loạn lo âu – một bệnh tâm lý mà chị chưa từng nghĩ đến. Chị phải nhập viện điều trị, kết hợp dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Bác sĩ giúp chị nhận ra rằng những tổn thương tinh thần do mâu thuẫn gia đình, sự cô đơn khi chồng vắng nhà và áp lực phải làm tròn bổn phận chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chị học cách chấp nhận rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người và biết cách buông bỏ những áp lực không đáng có.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của chị đã ổn định. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, chị có thể ngủ ngon mà không giật mình tỉnh dậy trong lo lắng.
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân T. đến viện trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, khó ngủ, tim đập nhanh và lo lắng về sức khỏe bản thân. Tình trạng sức khỏe bất ổn kéo dài suốt nhiều năm khiến chị rơi vào trạng thái hoang mang. Sau khi điều trị, chị đã có thể quay lại với công việc và sinh hoạt bình thường. Bác sĩ khuyên chị tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh.
Phương Vy