Từ những tháng đầu thai kỳ, chị N.T.O (trú tại Bắc Kạn) dành nhiều thời gian để tìm hiểu các loại sản phẩm cho trẻ sơ sinh. Chị tâm niệm “bản thân có thể ăn uống đơn giản, tiết kiệm chỗ này chỗ kia, nhưng riêng với con, không được phép sơ suất”. Từng hộp sữa, từng loại khăn, từng chai dầu tắm chị đều lựa chọn kỹ lưỡng.
Trước ngày sinh, chị O. chuẩn bị sẵn sữa bột ngoại nhập cho con, nhưng khi bé sinh non và được đưa vào chăm sóc đặc biệt, nhân viên y tế nói gia đình không được dùng sữa ngoài, phải dùng sữa theo danh mục do bệnh viện kê. Tin tưởng hoàn toàn vào hệ thống y tế, chị O. gật đầu đồng ý ngay, “trong hoàn cảnh đó, ai dám làm khác lời bác sĩ?”.
Những ngày sau sinh, mỗi lần mua sữa cho con, chị đều vào nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện. “Tôi nghĩ sữa ở đó được quản lý chặt, nguồn gốc rõ ràng nên rất yên tâm. Tôi mua và cho con sử dụng 4 hộp loại 400g và 8 hộp loại 900g cho con uống trong tháng đầu tiên”, chị kể.
Hóa đơn mua sữa được chị O. giữ lại.
Mới đây, chị ngã ngửa khi biết loại sữa hay mua ở bệnh viện cho con là của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma sản xuất, một trong đơn vị đang bị Bộ Công an điều tra trong đường dây sữa giả.
“Tôi hoang mang đến mức chỉ biết ôm con khóc. Tôi cẩn thận từng chút, nào ngờ lại chính tay đưa sữa giả vào cơ thể con. Bé sinh non, đường ruột và sức đề kháng yếu, chỉ cần sai một chút là trả giá cả đời”, chị O. nghẹn giọng.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, chị lập tức liên hệ với bệnh viện, nơi cung cấp loại sữa đó để phản ánh và mong nhận được câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên đến nay, chị vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
“Nếu loại sữa đó được bày bán ở chợ, ở tiệm tạp hóa không phép, tôi còn có thể tự trách mình. Còn đây là sản phẩm bán trong nhà thuốc bệnh viện, nơi lẽ ra phải là nơi an toàn nhất cho trẻ sơ sinh. Tôi không hiểu vì sao lại có thể lọt qua tất cả các khâu kiểm soát”, chị phẫn nộ.
Nỗi lo vẫn chưa nguôi trong lòng người mẹ ấy. Dù con chưa có dấu hiệu gì bất thường, nhưng chị vẫn sống trong tâm trạng lo âu thường trực. “Lúc nào tôi cũng sợ những thành phần kém chất lượng trong sữa sẽ ảnh hưởng lâu dài tới con. Chúng tôi cần một lời giải thích, minh bạch, không chỉ cho con tôi, mà cho tất cả những đứa trẻ đã và đang là nạn nhân của sữa giả”.
Sản phẩm sữa chị O. đã mua tại nhà thuốc bệnh viện.
Đầu tháng 4, khi Bộ Công an công bố thông tin triệt phá hai công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả, anh T.V.K (trú tại Hà Nội) chết lặng khi nhận ra một trong những sản phẩm bị thu giữ chính là loại sữa anh vẫn thường mua cho mẹ uống.
Loại sữa mang nhãn “tổ yến Đông Trùng Hạ Thảo” của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma từng được anh đặt mua online với giá gần 500.000 đồng/hộp. “Người ta quảng cáo đây là hàng cao cấp, dành riêng cho người lớn tuổi, giúp tăng đề kháng và cải thiện chức năng thận", anh K. kể.
Mẹ anh - bà L.M, 68 tuổi, bị tiểu đường và suy thận độ 1. Sau thời gian dùng sữa, bà thường xuyên mệt mỏi, chán ăn và tiêu hóa kém. Gia đình nghĩ do tuổi cao bệnh nặng, không ai nghi ngờ đến sản phẩm sữa. “Chỉ đến khi thấy tin tức, tôi tra lại mã lô hàng và số điện thoại đặt mua mới biết bản thân đã nuôi mẹ bằng thứ 'sữa giả' suốt thời gian qua”, anh K. nghẹn ngào.
Nguy cơ tích tụ kim loại nặng, độc chất
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa là nguồn bổ sung dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt với trẻ em. Sữa giả không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất, có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình phát triển ở trẻ nhỏ. Với những trường hợp trẻ sinh non, suy dinh dưỡng hoặc phải phụ thuộc hoàn toàn vào sữa, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nhiều.
Không chỉ nghèo nàn về dinh dưỡng, sữa giả còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe do sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất phụ gia không được kiểm soát. Người dùng có thể gặp các phản ứng cấp tính như dị ứng, ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, và về lâu dài có nguy cơ tích tụ kim loại nặng, độc chất, ảnh hưởng đến nội tiết và phát triển thần kinh.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi bảng thành phần dinh dưỡng được in trên bao bì, từ đó chủ quan, không bổ sung thực phẩm dinh dưỡng từ các nguồn khác.
Không thể len vào các siêu thị lớn, sữa giả chủ yếu được tiêu thụ tại các thị trấn, vùng nông thôn, phòng khám tư, hội chợ, bệnh viện nhỏ... nơi người tiêu dùng ít có điều kiện kiểm chứng chất lượng.
Các chuyên gia khuyến cáo, rất khó phân biệt sữa giả bằng cảm quan thông thường. Người tiêu dùng nên ưu tiên chọn mua sản phẩm từ các thương hiệu lớn, uy tín lâu năm, và mua tại siêu thị hoặc cửa hàng chính thống. Cần cảnh giác với sản phẩm giá rẻ bất thường, kèm khuyến mãi lớn hoặc được giới thiệu qua kênh không chính thống như truyền miệng hay hội thảo.
Vụ việc không chỉ là hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực thực phẩm bổ sung, mà còn là bài học đắt giá về niềm tin đặt nhầm chỗ vào bao bì hào nhoáng, chứng nhận “đẹp đẽ” và cả lời quảng cáo từ những gương mặt nổi tiếng.
Bộ Công an vừa khởi tố 8 bị can liên quan đến đường dây sản xuất và phân phối sữa bột giả, trong đó có Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà - giám đốc và cổ đông sáng lập hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Dù sản phẩm được giới thiệu dành cho nhiều nhóm tuổi khác nhau, toàn bộ đều sử dụng chung một công thức và nguồn nguyên liệu.
Tại cơ quan điều tra, nhóm bị can thừa nhận không thực hiện bất kỳ bước kiểm tra nào về hàm lượng dinh dưỡng cũng như thành phần thực tế trong sữa. Doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm chất lượng, mà chỉ dựa vào thông tin “tự khai” để lập hồ sơ sản xuất.
Như Loan