Theo thông tin từ bệnh viện, từ đầu năm 2020, bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu sưng mắt hai bên sau khi ngủ dậy. Ban đầu, gia đình cho rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường khi trẻ con khóc hoặc ngủ dậy nên chưa đưa trẻ đi khám. Tuy nhiên, tình trạng sưng mắt ngày càng tăng khiến gia đình lo lắng và đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám.
Ngày 1/7, bệnh nhi được ghép thận trái vào hố chậu phải từ người cho sống là mẹ ruột và cắt thận phải tận gốc. Ảnh:BV
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng thận hư kháng thuốc, không đáp ứng điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch điều trị thông thường dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh nhi phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần mỗi tuần tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó chuyển qua thẩm phân phúc mạc.
PGS.TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Nếu không được thay thận, bệnh nhân sẽ phải sống phụ thuộc vào chạy thận hoặc thẩm phân phúc mạc suốt đời, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, khiến trẻ không thể đến trường học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa, đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình bệnh nhi do bố mẹ phải nghỉ việc đưa trẻ đi chạy thận”.
Trường hợp của bệnh nhi đã được đưa ra hội chẩn tại Hội đồng Ghép thận của bệnh viện. Do tiên lượng xa của ghép thận rất khác nhau trên trẻ hội chứng thận hư kháng corticoid có đột biến gen WT1 và không đột biến gen WT1. Hội đồng đã quyết định phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi, xác định rõ các yếu tố nguy cơ và lên các bước phẫu thuật cụ thể cho bệnh nhi này.
Ngày 1/7, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành ghép thận trái từ người cho sống là mẹ ruột của bệnh nhi vào hố chậu phải, đồng thời cắt thận phải tận gốc cho bệnh nhi. Đây là ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho trẻ bị suy thận mạn giai đoạn cuối có đột biến gen WT1 hiếm gặp.
BS.CK2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là một ca phẫu thuật ghép thận phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của êkíp phẫu thuật và các chuyên khoa. Trước đây, những bệnh nhi đã từng được ghép thận không cần phải cắt thận tận gốc, nhưng đối với trường hợp bệnh nhi này, êkíp phẫu thuật đã tiến hành cùng một lúc cắt thận phải tận gốc và cấu trúc giống mô tinh hoàn (bị loạn sản) bên phải trước để tránh nguy cơ ung thư hóa thận và tuyến sinh dục do đột biến gien WT1, sau đó tiến hành ghép thận mới cho bệnh nhi.
“Nhằm rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế nguy cơ biến chứng kéo dài, êkíp thống nhất thực hiện cắt bỏ thận phải và tuyến sinh dục bên phải trước, còn thận trái và tuyến sinh dục trái sẽ được xử lý ở giai đoạn sau, khi bệnh nhi đã ổn định sau ghép thận”, BS.CK2 Đặng Xuân Vinh thông tin thêm.
Hiện tại, sau 7 ngày ghép thận, bệnh nhi tạm thời ổn định và ăn uống bình thường. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại Khoa Thận nội tiết. Dự kiến bệnh nhi sẽ được xuất viện trong thời gian tới. Khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ được dùng hormone testosterone thay thế để giúp trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và nâng cao chất lượng sống cho trẻ.
Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc