Mê mệt rùa châu Phi, rồng Nam Mỹ,… giữa trung tâm TP HCM

Mê mệt rùa châu Phi, rồng Nam Mỹ,… giữa trung tâm TP HCM
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 11-10, tại CLB Văn hóa – Thể thao Nguyễn Du (116 đường Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND quận 1, Hội Ngành nghề Nông nghiệp TP HCM tổ chức Tuần lễ Sinh vật cảnh TP HCM năm 2024 với sự tham gia của 60 gian hàng.
Khu vực triển lãm chia thành 5 phân khu chính: hoa cây kiểng – bonsai; cá cảnh; thú cưng (chó, mèo); bò sát và thiết bị, vật tư phục vụ ngành sinh vật cảnh. Sự kiện sẽ có hội thi về "mèo đẹp", "quý khuyển"' và khu chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc động vật cảnh miễn phí, kéo dài đến 13-10.
Rùa châu Phi, khoảng 5 tuổi được nhiều người check-in
Những chú rùa dạo quanh sự kiện. Người nuôi có thể bắt đầu nuôi rùa khi chúng còn nhỏ, giá khoảng 1 triệu đồng/con
Ngay trước giờ khai mạc, đã có rất đông khách tham quan đến sự kiện, trong đó có nhiều khách quốc tế do địa điểm tổ chức ở ngay khu vực trung tâm.
Nổi bật nhất tại tuần lễ, cũng là xu thế thịnh hành nhất hiện nay là các loài thú cưng nhóm bò sát với nhiều chủng loại như: trăn đột biến, rồng Nam Mỹ, tắc kè, rùa,…
Rồng Nam Mỹ, trên thế giới được bán với giá khoảng 3.000 USD/con, nhiều con đột biến có giá rất cao
Ông Ngô Hoài Nam, Chi hội trưởng Chi hội Bò sát cảnh TP HCM cho biết phong trào nuôi bò sát làm thú cưng đang rất phát triển, riêng chi hội có khoảng 70 hội viên. Đa số các loài bò sát có ưu điểm dễ nuôi, không cần nhiều diện tích, ăn ít, chất thải không nặng mùi nên được nhiều người ưa chuộng.
Ông Nam cho hay Việt Nam là nước nhiệt đới, nắng quanh năm và nguồn thức ăn dồi dào, giá rẻ nên rất phù hợp để phát triển sinh sản các loài bò sát. Nhiều nơi đã lai tạo được các dòng bò sát đột biến được thị trường thế giới định giá rất cao. Tuy nhiên, một số loài như: rồng Nam Mỹ, rùa châu Phi,… được xếp vào danh sách CITES nhóm 2, việc nuôi phải được cấp phép nhưng hiện nay nhiều vật nuôi vẫn bị xếp vào nhóm động vật ngoại lai dù thực tế đã được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu.
"Nếu được cấp phép chính thức, đây có thể là một ngành đem lại hiệu quả kinh tế cao do thú cưng được định giá tốt hơn các loại thương phẩm, Việt Nam sản xuất có giá thành rẻ" – ông Nam nói thêm.
Nhiều thú cưng độc - lạ tại sự kiện
Đại diện Chi hội mèo Sài Gòn cho biết so với cách đây vài năm, giá mèo rẻ hơn rất nhiều, phù hợp với số đông do được sinh sản trong nước. Trong đó, loại mèo Anh khoảng năm 2017-2018 có giá lên đến 20-30 triệu đồng thì nay chỉ cần 4-5 triệu đồng đã có thể sở hữu 1 chú mèo đẹp.
Các giống mèo mới du nhập hiện nay thường có giá từ 20 – 65 triệu đồng/con. Tại sự kiện, một trại nuôi mang đến con mèo có giá trị cao nhất là 55 triệu đồng.
Loài mèo cảnh có kích thước lớn nhất hiện nay, giá khoảng 40 triệu đồng/con
Khu trưng bày bò sát cảnh rất đông khách đến xem
Nhiều người quay phim, chụp ảnh với các loài bò sát mới lạ
Khu vực cá cảnh hiện vẫn đang thu hút người chơi bởi đa dạng các mức giá. Tại đây, ban tổ chức còn có chương trình tặng cá miễn phí cho khách tham quan cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá.
Một nhóm khách nước ngoài hào hứng ghé sự kiện
Cây cherry nhiệt đới
Khu cá cảnh thu hút khách đến tham quan
Khách đến sự kiện còn được tặng cá cảnh miễn phí
Đối với khu hoa, cây kiểng, bên cạnh các mặt hàng quen thuộc như hoa lan, bonsai thì các loại kiểng độc lạ khiến nhiều khách tham quan tò mò.
Tại vườn kiểng Lộc Uyển, cây cherry nhiệt đới được một số khách mua sớm với mức giá từ 1,5-2 triệu đồng/cây. Ông Đinh Gia Thiện Sanh, chủ vườn cho biết đây là cây kiểng có nguồn gốc từ Thái Lan, du nhập về Việt Nam khoảng 3 năm và khá dễ trồng và trồng ra trái.
Bài, ảnh, clip: NGỌC ÁNH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/me-met-rua-chau-phi-rong-nam-my-giua-trung-tam-tp-hcm-196241011151453359.htm