Bà Hồ Thị Thanh Hương (xã Thới Hưng, TP Cần Thơ) cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương kháng chiến hạng Ba dành cho mẹ bà - liệt sĩ Võ Thị Quyên
Mẹ tôi tên Võ Thị Quyên, sinh năm 1942, ba tôi tên Hồ Văn Sáng, sinh năm 1940. Gia đình tôi sống tại vùng "hóc bò tó" của miền Tây Nam bộ, đó chính là U Minh, Cà Mau.
Mẹ sinh ra tôi năm 1960, khi giặc giã hoành hành khắp vùng đất quê hương. Trong ký ức non nớt của tôi ngày đó, ba mẹ đi suốt, "đi tối ngày". Sau này tôi được bà con dòng họ kể lại, thời đó ba mẹ tôi đi làm giao liên và hoạt động cách mạng.
Khi ấy, mẹ tôi 19 tuổi.
Ba mẹ thời gian đầu gửi tôi cho bên nội chăm sóc, nhưng rồi đại gia đình bên nội cũng đi hoạt động cách mạng hết, nên cuối cùng tôi được gửi về cho ông bà ngoại và cậu nuôi dưỡng. Nhà ngoại làm ruộng và trồng chuối, trồng tràm gừng.
Vùng U Minh, Cà Mau thì nhiều người cũng đã biết, vắng vẻ và cực kỳ thưa thớt dân cư, xung quanh chỉ toàn rừng cây, gần như chưa có đường xá gì cả. "Đặc sản" ở đây chính là muỗi. Những con muỗi lớn chỉ chực chờ xông tới hút máu người.
Ba mẹ chỉ sinh được 1 mình tôi. Xung quanh không có đứa trẻ nào chơi cùng, cũng không có thứ gì để chơi, nên tôi chỉ ở trong nhà. Hơn nữa, khi ấy ba mẹ làm công việc cách mạng, phải giữ kín, nên họ cũng ít khi về nhà, để tránh việc không hay liên lụy tới cả gia đình.
Thường dân miền Tây gọi đấng sinh thành là Má, nhưng không hiểu sao, tôi lại thường kêu Mẹ. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thỉnh thoảng về nhà. Tôi còn nhớ bà có mang về cho tôi chút kẹo bánh. Và cứ mỗi lần gặp, mẹ đều ôm tôi vào lòng, dặn dò ở nhà ngoan với ngoại và cậu.
Mẹ tôi có dáng người mảnh mai, nhanh nhẹn. Bà đi lại thoăn thoắt. Mẹ tôi chỉ tranh thủ về thăm tôi ít thời gian rồi lại đi liền. Thấy sự tất bật, vất vả của mẹ, tôi cũng không dám đòi hỏi gì. Nhưng không có mẹ, thì sao mà tôi vui cho được. Tôi thường ngồi buồn và đôi lúc khóc vì tủi thân, hờn giận.
Năm tôi 7 tuổi, ba mẹ tôi đi tập kết nhưng chỉ có ba tôi là trở về, còn mẹ tôi thì từ đó không về nữa. Sau này tôi được biết, mẹ đã vào "đường dây", gọi tắt của "đường dây công tác", từ U Minh đi qua Campuchia rồi theo đường mòn Hồ Chí Minh, tập kết ra Bắc.
Cả 1 trung đội theo "đường dây" này nhưng tiểu đội của mẹ tôi thì bị trúng bom của địch thả xuống, cả tiểu đội bị "xóa sổ" luôn. Sau này, có cô Trung đội trưởng đã tới tìm gặp gia đình tôi, kể lại như vậy. Năm ấy là 1967, thời kỳ chiến tranh lan rộng khắp miền Nam Việt Nam.
Cuộc sống đối mặt với bao nhiêu khó khăn, ở vùng Cà Mau, địch rà soát gắt gao. Bom dội từ trên xuống khiến đến giờ 2 lỗ tai tôi còn lùng bùng, có thời gian bị dịch mủ chảy ra nữa. Tôi được đưa vào trường Thiếu sinh quân khu vực quân khu đóng tại Cà Mau để đi học.
Tới khi giải phóng rồi, thì cũng không còn trường này, và tôi cũng nghỉ học luôn. Tôi mới học tới lớp 5, ở nhà phụ ngoại và cậu làm ruộng, trồng cây. Nếu chỉ nói 2 tiếng "vất vả" thì cũng không thể kể được hết ra những tháng ngày mà tôi và gia đình trải qua lúc đó.
Mẹ không còn nữa, ba tôi cũng chưa về tới nhà. Sau này, ba về quê, ở tại Cà Mau. Năm nay ba tôi cũng đã 85 tuổi rồi.
Tôi vẫn nhớ 1 ngày những năm của thập niên 1980, có cô chú "ở trên" tới nhà mang tấm bằng ghi truy tặng mẹ tôi Huân chương kháng chiến hạng Ba. Rồi mọi người ngồi kể lại những tháng ngày ba mẹ tôi cùng hoạt động cách mạng tại Cà Mau và cùng tập kết ra Bắc.
Đồng đội của ba mẹ có người may mắn sống sót, người thì đã hy sinh. Ba tôi trở về, còn mẹ tôi vĩnh viễn không quay trở lại nữa. Mẹ được nhà nước công nhận liệt sĩ, gửi tấm bằng Tổ quốc ghi công.
Là con gái duy nhất của mẹ, nhưng thời gian được gần mẹ của tôi rất ít ỏi. Các ký ức về bà cũng không có nhiều, hoặc mai một theo thời gian. Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ sớm, sống yên lặng tại vùng đất "nghe nói Cà Mau xa lắm", chỉ thấy mẹ nhạt nhòa trong các giấc mơ đẫm nước mắt.
Cho tới khi tôi 20 tuổi, thì gặp ông xã tôi. Anh ấy tên là Phan Văn Tây, là "chú bộ đội" từ Cần Thơ về Cà Mau đóng quân. Tụi tôi thương nhau, cưới nhau, tôi theo chồng về xã Thới Hưng, thành phố Cần Thơ, sinh sống từ đó tới nay. Chúng tôi có 3 người con hiện đã trưởng thành.
Cứ mỗi năm vào dịp 27/7 - Ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi lại nhớ về quãng đời ấu thơ khó nhọc và thiếu thốn của mình, đặc biệt là thiếu thốn tình yêu thương của Mẹ. Nhưng trên hết, tôi luôn trân quý và cảm phục sự dũng cảm của bà - người phụ nữ ở vùng miệt Cà Mau xa xôi đã tham gia cách mạng khi còn rất trẻ.
Bà đã hy sinh tất cả, để lại con gái nhỏ ở nhà cho người thân chăm sóc với nỗi nhớ con dày vò mỗi ngày, đi làm giao liên. Và cuối cùng, bà đã gửi lại xác thân ở trong lòng đất quê hương. Đến tận giờ tôi cũng không được biết chính xác nơi bà và đồng đội đã trúng bom.
Mẹ tôi là Liệt sĩ.
Đinh Thu Hiền (ghi)