LỜI TÒA SOẠN
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), báo VietNamNet trân trọng gửi tới quý độc giả những bài viết, câu chuyện, ký ức, kỷ niệm… khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Quân đội anh hùng.
Có những con số làm tim ta nhói đau
Quảng Nam là địa phương đứng đầu cả nước với hơn 15.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên tổng số gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng cùng tác phẩm mẹ Thứ bên mâm cơm
Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904-2010, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất (9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ) trong 2 cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp (1946-1954), chống đế quốc Mỹ (1954-1975). Người con gái cả của mẹ là mẹ Lê Thị Trị cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng và 2 con gái là liệt sĩ…
Trong số các mẹ Việt Nam anh hùng của đất lửa Quảng Trị có gia đình mẹ Lê Thị Hẹ với 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 17 liệt sĩ. Trong số 17 liệt sĩ có 11 người là con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của mẹ Hẹ…
Tháng 11/2024, khi tôi đến thăm viếng phần mộ của mẹ Thứ ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn và thăm nhà của mẹ ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, thắp hương cho 9 người con của mẹ, chuyện trò với tôi, anh Lê Tự Hiệp (sinh năm 1971), cháu nội của mẹ Thứ đã kể, khi mẹ còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hoặc tới ngày Tết cổ truyền, dịp 30/4, 27/7, 22/12 hàng năm, mẹ thường chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với mẹ. Mẹ lại nức nở và thiếp đi trong cơn mê. Mẹ như thấy các con về…
Là một giáo viên Sử, cứ mỗi khi đến các tiết dạy Sử trùng với thời gian ngày lễ của đất nước, tôi vẫn thường phân tích cho học trò của mình những tri thức và nhận thức lịch sử từ tấm ảnh nổi tiếng của Đại tá - Nhà báo Trần Hồng. Rất nhiều em đã khóc. Tấm ảnh “Mẹ Thứ ngồi bên mâm cơm” do Trần Hồng chụp năm 2001 tại Điện Bàn với hình ảnh mẹ ngồi bên mâm cơm với 9 cái bát, 9 đôi đũa, 9 que hương cắm trên 1 bát hương. Khi nói chuyện với Trần Hồng, mẹ Thứ đã nói: “Tôi vẫn đợi nó về. Chín thằng, chắc chắn có 1 thằng về với tôi. Chắc chắn thế”.
Nhớ lại câu chuyện năm 1998, khi một đoàn khách nước ngoài đến thăm mẹ Thứ, một nhà báo là cựu chiến binh Hàn Quốc đã hỏi mẹ Thứ: “Thưa bà, với quan niệm của người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận?”. Mẹ điềm tĩnh trả lời : “Ở nước tôi, cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”…
Xin cảm ơn người - những tượng đài bất tử
Trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật, nhiều thập kỷ qua các nghệ sĩ, nghệ nhân đã dành trọn tình cảm kính trọng và yêu thượng với các mẹ Việt Nam anh hùng. Thơ, ca, nhạc, họa luôn có chủ đề về mẹ Việt Nam anh hùng.
Tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” ở núi Cấm (TP.Tam Kỳ) lấy nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: Báo Quảng Nam
Về âm nhạc, có nhiều nhạc sĩ tài danh đã tích lũy, dồn nén nhiều cảm xúc để sáng tác nên những bài hát đầy xúc động về mẹ như : “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý, “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, “Hãy yên lòng mẹ ơi” của Lữ Nhất Vũ, “Về thăm mẹ” của Trần Trung, “Người mẹ Quảng Nam” của Doãn Nho, “Người mẹ của tôi” của Xuân Hồng”, “Hát về người mẹ của tôi” của An Thuyên, “Giai điệu Tổ quốc” của Trần Tiến…
Về hội họa, có rất nhiều họa sĩ đã dành sự tinh tế của đôi mắt, sự đa cảm của trái tim, tâm hồn và những đôi tay tài hoa cho các bức tranh từ tranh sơn mài, sơn dầu, tranh trên giấy gió đến cả tranh trên cát, phù điêu trên những bức tường đá... khắc họa khuôn mặt của những người bà, người mẹ, người vợ mất cha, mất chồng, mất con trong chiến tranh.
Hè năm 2024, trong một lần ra Hà Nội, tôi đã dành nhiều thời gian ghé thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Một không gian mà tôi đã phải dừng lại rất lâu, xem từng hình ảnh, lặng lẽ đọc từng dòng chữ chú thích về 1 bộ tác phẩm tranh vẽ đồ sộ về Mẹ Việt Nam Anh hùng của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, quê ở Tiền Giang.
Tôi vô cùng khâm phục một người phụ nữ nhỏ bé đất Nam bộ, đã 76 tuổi mà miệt mài, rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, thực hiện những cuộc hành trình suốt chiều dài của đất nước để tìm kiếm, gặp gỡ và vẽ ký họa chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Khi hỏi lý do, động lực nào giúp bà làm được điều kỳ diệu như vậy, họa sĩ Đặng Ái Việt chỉ khiêm tốn trả lời: “ Không ai phân công tôi vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng. Trái tim tôi phân công. Tôi sẽ vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng khi trái tim tôi còn đập trong lồng ngực.Tôi đi vẽ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là tôi đang trả món nợ ân tình”.
Về kiến trúc, công trình nổi bật nhất, ấn tượng nhất và xúc động nhất là Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, được lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ…
Đất nước mãi ghi ơn, nhân dân mãi ghi nhớ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam . Người nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.
Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (1910-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu - Đảm đang”.
Ngày 20/10/1966, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.
Ở Thủ đô Hà Nội có rất nhiều bảo tàng nhưng nếu ai đi qua phố Lý Thường Kiệt sẽ thấy một bảo tàng rất đặc biệt mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Vào thăm bảo tàng, mọi người sẽ thấu hiểu về vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử, văn hóa nước nhà. Đặc biệt, không gian tầng 3 bảo tàng dành riêng để trưng bày chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng với nhiều tư liệu, thước phim trong các cuộc chiến tranh, những hình ảnh dũng cảm, can trường, bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và khánh thành “Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ” năm 1985, nay là “Bảo tàng phụ nữ Nam bộ” tọa lạc trên con đường mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Năm nay cũng tròn 30 năm (1994-2024), ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước. Đây cũng chính là đợt phong tặng danh hiệu cao quý này lớn nhất trong lịch sử.
Hai bà mẹ Việt Nam anh hùng - hình ảnh do Đại tá, nhà báo Trần Hồng chụp lại về những người Mẹ
Trong chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước với những người có công, “Mẹ Việt Nam anh hùng” là đối tượng đặc biệt. Quan tâm, chia sẻ và phụng dưỡng các bà mẹ anh hùng đã trở thành một truyền thống, đạo lý của người Việt. Đến thời điểm này, sau 30 năm thực hiện Pháp lệnh, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Ngày 22/12 là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - ngày của sự tôn vinh những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Ngày 22/12 cũng là Ngày hội quốc phòng toàn dân - ngày hội của truyền thống đoàn kết quân với dân một ý chí trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc gia lãnh thổ.
Và, không có những người mẹ anh hùng thì không có những người lính anh hùng làm nên một dân tộc anh hùng.
Chúng ta tôn vinh những người lính - nòng cốt, chủ lực của chiến tranh nhân dân thần thánh. Chúng ta vinh danh những người mẹ anh hùng, là hậu phương, là chỗ dựa, là niềm tin của những người lính nơi chiến trường. Bởi, với dân tộc Việt Nam, mẹ là quê hương, mẹ là Tổ quốc.
Trần Trung Hiếu