Melatonin cải thiện giấc ngủ trẻ em?

Melatonin cải thiện giấc ngủ trẻ em?
4 giờ trướcBài gốc
Trẻ có thể cải thiện giấc ngủ nhờ thay đổi lối sống. Ảnh minh họa: INT
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, tốt nhất là trẻ nên thay đổi lối sống hoặc trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng melatonin.
Melatonin có hiệu quả
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần con người, đặc biệt đối với trẻ em. Bởi, cơ thể và não bộ của trẻ đang giai đoạn phát triển. Thuốc bổ sung melatonin là phương pháp điều trị phổ biến dành cho những trẻ em gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), melatonin là thực phẩm bổ sung chứ không phải là thuốc.
Melatonin là một loại hormone có trong cơ thể một cách tự nhiên. Một cấu trúc nhỏ trong não được gọi là tuyến tùng sản xuất và giải phóng melatonin để kiểm soát nhịp sinh học của cơ thể. Nhịp sinh học là chu kỳ 24 giờ, trong đó não của một người chuyển đổi giữa trạng thái tỉnh táo và buồn ngủ.
Nhịp sinh học rất quan trọng trong việc xác định cả chế độ ngủ và ăn ở người. Trẻ em có tuyến tùng không sản xuất đủ melatonin hoặc bị chậm tiết melatonin có thể rơi vào tình trạng mất ngủ.
Một số nghiên cứu cho thấy, melatonin có thể giúp trẻ ngủ nhanh hơn, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu năm 2017 đã xem xét tác dụng của melatonin ở trẻ em bị mất ngủ mãn tính. Các nhà khoa học đã phân nhóm ngẫu nhiên trẻ em thành ba nhóm: Nhóm sử dụng 3 miligam (mg) viên melatonin, nhóm được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng và nhóm dùng giả dược. Nghiên cứu kết luận, melatonin có hiệu quả đáng kể hơn trong việc rút ngắn thời gian trẻ em đi vào giấc ngủ so với giả dược. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, melatonin có nhiều tác dụng hơn liệu pháp ánh sáng.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác trong năm 2015 về melatonin như một chất hỗ trợ giấc ngủ cho trẻ em mắc chứng động kinh. Theo đó, trẻ em dùng 9 mg melatonin ngủ nhanh hơn 11,4 phút so với trẻ em dùng giả dược. Một bài báo từ 2013 đã xem xét năm nghiên cứu điều tra các phương pháp điều trị bằng thuốc cho trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Các nhà nghiên cứu kết luận, melatonin dường như có tác dụng tích cực trong việc điều trị các triệu chứng mất ngủ ở trẻ mắc ADHD. Tuy nhiên, họ cũng nêu rằng, cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện này.
Liều lượng an toàn
Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy melatonin có thể là phương pháp điều trị hiệu quả cho trẻ em mắc chứng rối loạn giấc ngủ, nhưng thời gian điều trị và liều lượng thích hợp vẫn là yếu tố chưa rõ ràng.
Melatonin có nhiều dạng, bao gồm dạng bào chế dành riêng cho trẻ em, như kẹo dẻo và dạng lỏng. Vì FDA coi melatonin là thực phẩm bổ sung chứ không phải thuốc, nên không có hướng dẫn chính thức về liều lượng cho trẻ em hoặc người lớn.
Do đó, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ dùng melatonin. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ tư vấn về việc trẻ em mắc chứng khó ngủ có thể được hưởng lợi từ việc dùng melatonin và các phương pháp điều trị khác hay không.
Bác sĩ cũng có thể tư vấn về liều lượng melatonin an toàn và hiệu quả cho trẻ. Họ có thể đề xuất việc cho trẻ sử dụng melatonin với liều rất thấp và điều chỉnh khi cần thiết. Để điều trị các vấn đề về giấc ngủ, trẻ em thường được khuyên dùng melatonin từ 30 đến 60 phút trước khi đi ngủ.
Các nghiên cứu dường như cho thấy, melatonin an toàn cho trẻ em trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, melatonin có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ em. Do đó, tốt nhất là cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ dùng melatonin.
Theo đánh giá năm 2013, một số trẻ dùng melatonin đã gặp phải các tác dụng phụ nhẹ, như đau đầu, tiểu dầm và chóng mặt. Các triệu chứng này sẽ hết sau khi trẻ ngừng dùng melatonin.
Các tác dụng phụ khác melatonin có thể gây ra cho trẻ bao gồm: Buồn ngủ, đau bụng, đổ mồ hôi quá nhiều, vấn đề về thị lực, buồn nôn, lười biếng vào ban ngày. Điều quan trọng cần lưu ý là có rất ít nghiên cứu về tính an toàn của việc sử dụng melatonin trong thời gian dài ở trẻ em.
Melatonin được công nhận là thực phẩm bổ sung. Ảnh minh họa: INT
Mẹo giúp trẻ ngủ ngon
Đối với trẻ em gặp khó khăn khi ngủ, tốt nhất là phụ huynh nên khuyến khích con thay đổi lối sống trước khi thử dùng thuốc. Nếu những thay đổi này không hiệu quả, bác sĩ có thể tư vấn về các phương án điều trị khác.
Để giúp cải thiện giấc ngủ của trẻ, cha mẹ có thể khuyến khích con đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều đó có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn. Ngoài ra, việc tuân theo một thói quen trước khi đi ngủ có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Ví dụ, một nghiên cứu phát hiện, thói quen trước khi đi ngủ gồm ba bước có hiệu quả. Điều này bao gồm việc trẻ em tắm, thoa kem dưỡng da và thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, như nghe hát ru. Trẻ cũng cần tắt đèn 30 phút sau khi tắm.
Để dễ chìm vào giấc ngủ, trẻ cần tắt các thiết bị điện tử. Sử dụng điện thoại thông minh, tivi và máy tính bảng trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng ngủ của trẻ. Phụ huynh nên cố gắng thực hiện “quy định không sử dụng thiết bị điện tử” trước khi đi ngủ để trẻ hình thành thói quen này.
Đối với trẻ em gặp khó khăn về giấc ngủ, cha mẹ có thể cân nhắc đưa con tới gặp bác sĩ nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả. Ngoài ra, trẻ cần đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào như: Ngáy to làm gián đoạn giấc ngủ, thường xuyên gặp ác mộng ban đêm, mộng du, tiểu dầm quá nhiều, buồn ngủ nghiêm trọng vào ban ngày.
Các chuyên gia y tế cho biết, thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, thành tích học tập và sức khỏe tâm lý của trẻ. Ngủ không đủ giấc cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi hoặc sức khỏe tâm thần, như cáu kỉnh, trầm cảm, lo lắng hoặc tăng động.
Tại Mỹ, trong giai đoạn từ 2012 - 2021, số trường hợp trẻ phải nhập viện do sử dụng quá liều melatonin tăng. Nguyên nhân là do tiêu thụ không chủ đích melatonin ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì xu hướng gia tăng sử dụng melatonin ở trẻ em và mức độ nghiêm trọng của một số trường hợp đã báo cáo, các chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng melatonin ở trẻ nên được theo dõi thận trọng.
Theo Medical News Today
Sinh Phúc
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/melatonin-cai-thien-giac-ngu-tre-em-post718530.html