Meme coin là một loại tiền điện tử được tạo ra dựa trên trò đùa, hình ảnh hài hước hoặc xu hướng trên internet, thường không có giá trị công nghệ hoặc ứng dụng thực tiễn rõ ràng. Chúng nổi tiếng vì có thể tăng giá đột biến nhờ hiệu ứng mạng xã hội và tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ).
Một số meme coin nổi bật như $Dogecoin hay $ShibaInu bắt đầu như trò đùa nhưng sau đó trở thành tài sản được giao dịch rộng rãi. Dù tiềm năng lợi nhuận cao, meme coin cũng đi kèm rủi ro lớn do biến động mạnh và thiếu kiểm soát pháp lý.
Từ chiếc áo Hooters đến bữa tiệc tiền số tại Four Seasons
Một tối gần đây tại một nhà hàng Hooters, Yuvia Mendoza - cô gái 25 tuổi sống ở vùng vịnh San Francisco - đã đưa ra một đề nghị bất ngờ: cô sẵn sàng chi 1.000 USD tiền điện tử để đổi lấy chiếc áo phông đồng phục của cô phục vụ.
Mendoza không tìm kiếm thời trang - cô đang “gom hàng” để quảng bá một đồng meme coin có chủ đề xoay quanh chuỗi nhà hàng Hooters, với hy vọng cứu công ty khỏi nguy cơ phá sản và quan trọng hơn là giúp cô giàu lên.
Vài ngày sau, Mendoza xuất hiện tại một bữa tiệc sang trọng tổ chức tại khách sạn Four Seasons, nơi cô mời các khách mời trong ngành tiền điện tử tạo dáng chụp ảnh cùng chiếc áo cổ chữ V đặc trưng của Hooters. Đó là một phần trong chiến dịch nhằm khuếch trương cho đồng coin cô đang nắm giữ - một canh bạc liều lĩnh nhưng có thể sinh lời nhanh chóng.
Mendoza giơ điện thoại lên cho thấy thông tin về một loại tiền điện tử theo chủ đề Hooters mà cô cho rằng có thể giúp cứu chuỗi cửa hàng này khỏi tình trạng phá sản - Ảnh: Washington Post
Dù đang kiếm được thu nhập 6 con số từ công việc phát triển cộng đồng cho các dự án crypto, Mendoza thừa nhận mình vẫn cảm thấy bất an về tài chính khi phải sống trong khu vực đắt đỏ như Bay Area. “Không ai trong thế hệ của tôi đủ tiền để mua nhà. Thế nên chúng tôi nghĩ mình cần phải liều một chút”, cô chia sẻ với Washington Post.
Đầu tư bằng meme: Lố bịch nhưng hấp dẫn
Meme coin - những loại tiền kỹ thuật số được đặt tên và tạo dựng dựa trên các câu đùa lan truyền trên mạng - từ lâu đã bị coi là phi thực tế, đầy rủi ro và chẳng có giá trị thực tế nào. Thế nhưng, đối với một thế hệ lớn lên cùng internet, lớn lên trong đại dịch, gánh nặng nợ sinh viên và giá nhà cao vút, thì việc nắm lấy một cơ hội “một đêm thành triệu phú” lại có vẻ... hợp lý hơn bao giờ hết.
Joe McCann, CEO của quỹ đầu cơ tiền điện tử Asymmetric, gọi xu hướng này là “chủ nghĩa hư vô tài chính”. “Giới trẻ ngày nay không còn tin vào các cơ chế truyền thống như 401(k), chứng khoán, hay gửi tiền vào ngân hàng. Họ không có gì để mất, vậy thì sao không cược vài trăm USD vào một đồng coin có hình con chó biết nháy mắt?”, ông nói.
Người trẻ đầu tư vào meme coin một cách liều lĩnh để làm giàu nhanh - Ảnh: Reuters
Veronica Sutton, 27 tuổi, đội chiếc mũ đỏ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) khi tham dự hội nghị ETHDenver, chia sẻ rằng cô từng có niềm tin vào hệ thống truyền thống. Nhưng sau khi chứng kiến cha mẹ ngập trong nợ nần và trải qua quãng thời gian đại học bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, cô bỏ học năm cuối và chuyển hướng sang đầu tư crypto. “Tôi không hối tiếc vì đã học đại học. Tôi chỉ hối tiếc vì khoản nợ 20.000 USD”, cô nói.
Người đưa cô đến với thế giới này là chồng chưa cưới, George Heiman, 29 tuổi - chủ một công ty, từng bước vào thị trường tiền số từ năm 2017 như một hành động chống lại hệ thống tài chính truyền thống mà anh coi là "tham nhũng". Dù từng thua lỗ nặng nề với tiền meme, nhưng anh khẳng định mình kiếm được nhiều tiền hơn từ crypto so với bất kỳ công việc nào khác.
Hiện tại, hai người đang có kế hoạch mua nhà, và khoản tiền đặt cọc sẽ đến từ chính những khoản đầu tư “vui vẻ nhưng nghiêm túc” đó.
Chính trị, Elon Musk và sự hợp pháp hóa
Một số người đầu tư tin rằng tiền meme sẽ bùng nổ khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Không phải vì lý tưởng chính trị, mà vì ông Trump... có cổ phần cá nhân trong thị trường này. Hai đồng meme coin có tên $TRUMP và $MELANIA (theo tên đệ nhất phu nhân, vợ ông Trump) đã được phát hành bởi một công ty liên kết với tổ chức Trump, và chính ông từng mời các nhà đầu tư hàng đầu đến dự tiệc tối cùng mình.
Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) gần đây cũng ra phán quyết rằng tiền meme là “đồ sưu tầm”, chứ không phải chứng khoán - một động thái mở đường cho nhiều đồng coin mới được đúc ra mà không bị ràng buộc bởi các quy định khắt khe.
Không thể không nhắc đến tỷ phú Elon Musk - người từng khiến đồng $Dogecoin tăng vọt chỉ bằng một bài đăng trên X. Thậm chí ông còn đùa rằng tên gọi DOGE (Ban Hiệu suất chính phủ Mỹ) lấy cảm hứng từ đồng meme $Dogecoin.
Những lần tỷ phú Elon Musk đăng bài trên X liên quan đến $Dogecoin - Ảnh: X
Không chỉ là một khoản đầu tư, meme coin đã trở thành một phần văn hóa sống của nhiều người trẻ. David Krause, giáo sư tài chính tại Đại học Marquette (Mỹ) cho rằng xu hướng này không khác gì sự nổi loạn tuổi trẻ. “Đây là cách họ nói: Tôi không sống theo quy tắc của thế hệ cha mẹ mình’”, ông cho hay.
Theo khảo sát của Pew năm 2024, khoảng 42% nam giới và 17% phụ nữ từ 18 đến 29 tuổi tại Mỹ từng giao dịch hoặc đầu tư vào tiền điện tử - cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ ở nhóm trên 50 tuổi.
Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
Jeff Matthews, 31 tuổi, dành đến 17 giờ mỗi ngày nhìn vào điện thoại để theo dõi giá tiền meme. Anh thừa nhận mình “quá già” để hiểu hết xu hướng mạng xã hội, nên thuê em gái 20 tuổi cập nhật cho mình các trào lưu đang hot trên TikTok. Một lần, anh đầu tư 250 USD vào một đồng coin ít người biết và kiếm được... 75.000 USD trong 90 phút. “Đúng là may mắn thôi”, anh nói.
Nhưng vận may không luôn mỉm cười. Gần đây, Matthews đầu tư 1.600 USD vào một đồng coin lấy cảm hứng từ các cục vàng dino dành cho trẻ nhỏ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh phát hiện đồng coin đã mất gần hết giá trị. “Chắc tôi chỉ còn đủ tiền mua một hộp dino tại Costco”, anh cười chua chát.
Một số công ty crypto đang cố gắng định hình lại cách đầu tư vào tiền meme. Thomas Mattimore, CEO của ABC Labs, cho biết công ty ông đã phát triển một sản phẩm cho phép đầu tư “gói” vào các đồng meme, nhằm giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa.
Ngay cả Vitalik Buterin - nhà sáng lập Ethereum (ETH - cũng không xem thường meme coin. Anh từng đầu tư 25.000 USD vào dogecoin và số tiền này đã sinh lời hàng triệu USD, một phần trong đó anh dùng để quyên góp chống sốt rét và hỗ trợ Ukraine. Theo Buterin, meme coin có thể trở thành công cụ huy động cộng đồng và vốn cho hoạt động từ thiện nếu được sử dụng đúng cách.
Vẫn còn niềm tin trong khói bụi
Trở lại với Mendoza, chiến dịch quảng bá đồng Hooters coin không thành công như mong đợi. Giá trị vốn hóa của đồng tiền từng lên đến 1,7 triệu USD nay đã rớt xuống dưới 40.000 USD.
Nhưng cô không nản chí. Mendoza hiện đã chuyển sang đầu tư vào các đồng khác như $HOUSECOIN - một đồng coin mang ý tưởng mỗi token sẽ đủ để mua một căn nhà trong tương lai. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng đối với những người như cô, điều đó không xa vời.
“Tôi tin rằng có một triệu USD đang chờ trong máy tính của bạn. Bạn chỉ cần tìm đúng nút để nhấn”, cô nói.
Hoàng Vũ