Theo bài đăng trên website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nghiện rượu là một tình trạng mãn tính, theo bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 xếp nghiện rượu vào loại “rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động mạnh đến tâm thần”.
Rối loạn khi sử dụng rượu là khái niệm được sử dụng để mô tả tình trạng uống rượu một cách quá mức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghiện rượu là một tình trạng mãn tính và dễ tái phát với những biểu hiện:
- Sử dụng rượu thường xuyên một cách bắt buộc.
- Mất kiểm soát khi liên quan đến việc sử dụng rượu.
- Có tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề khi không sử dụng rượu..
Có nhiều mẹo bổ ích giúp quý ông cai nghiện rượu. (Ảnh: MedicalNews)
Các mẹo cai nghiện rượu
Bước đầu tiên trong hành trình cai rượu chính là nhận ra và chấp nhận mình đang lệ thuộc rượu bia. Sau đó, phải đặt ra mục tiêu cụ thể như giảm dần lượng rượu rồi tiến tới cắt hẳn. Việc có mục tiêu rõ ràng giúp tăng độ quyết tâm và thêm kiên trì trong quá trình thực hiện. Sau khi xác định mục tiêu, bạn hãy áp dụng các mẹo cai nghiện rượu dưới đây:
- Tìm kiếm động lực và sự ủng hộ từ những người xung quanh: Gia đình và bạn bè là những người giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hãy chia sẻ với người thân về dự định cai nghiện rượu và nhờ họ động viên, giúp đỡ mỗi lúc bạn muốn bỏ cuộc. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các nhóm hỗ trợ cai rượu thông qua các trang mạng xã hội, hội nhóm…
- Tìm kiếm hoạt động thay thế: Bạn có thể chọn một số môn thể thao yêu thích như bóng đá, gym, cầu lông, tennis… để giải tỏa căng thẳng, áp lực và giúp bạn quên đi cơn thèm rượu.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Rượu bia gây hao mòn sức khỏe, vì vậy bạn cần đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và nước lọc để làm sạch cơ thể và giảm cảm giác thèm rượu. Hãy uống nước cam, chanh hoặc nước ép rau củ để tăng khả năng thải độc.
- Hạn chế tụ tập, đến nơi có người uống rượu bia: Những buổi tiệc tùng, ăn uống ở nhà hàng rất dễ kích thích bạn sử dụng rượu trở lại; do đó trong quá trình cai rượu, bạn hãy tạm thời hạn chế tiếp xúc với những môi trường này. Nếu cảm thấy khó khăn, hãy tìm kiếm bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý, sức khỏe để nhận sự tư vấn và hỗ trợ chuyên môn. Việc kết hợp điều trị tâm lý và sử dụng thuốc (nếu cần thiết) sẽ đem lại kết quả nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Hạn tiếp xúc với người uống rượu bia là một mẹo cai nghiện rươụn. (Ảnh: MedicalNews)
Lưu ý, các trường hợp nghiện rượu nặng cần được can thiệp y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm. Biểu hiện nghiện nặng gồm: Cảm thấy rất khó chịu về thể chất và tinh thần khi thiếu rượu, xuất hiện triệu chứng run tay, đổ mồ hôi, buồn nôn, mất ngủ, co giật. Nếu uống rượu thường xuyên nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng khi ngừng thì đó là nghiện nhẹ.
Những lưu ý khi cai nghiện rượu
- Không tự ý cai nghiện rượu đột ngột: Việc ngừng rượu đột ngột sau thời gian dài có thể dẫn đến hội chứng cai nghiện nguy hiểm như co giật, rối loạn nhịp tim, mê sảng. Người nghiện rượu cần tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các bác sĩ để có lộ trình cai rượu phù hợp và an toàn.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng tốt và lối sống lành mạnh: Cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B1, B6, C, kẽm và magie để phục hồi chức năng gan và hệ thần kinh; ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống nhiều nước để đào thải độc tố trong cơ thể.
- Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
- Tham gia những nhóm, cộng đồng có lối sống lành mạnh, cùng nâng cao sức khỏe nhắm tránh tình trạng cô đơn.
- Tạo môi trường sống tích cực và lành mạnh hơn để tránh tái nghiện.
Hoàng Hà