Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X năm 2024 với chủ đề “Miền hoa thương nhớ” sẽ chính thức diễn ra trong tháng 11.2024 tại huyện Đồng Văn. Đây là sự kiện không thể bỏ lỡ trong hành trình của nhiều du khách đến với Việt Nam và đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó có điểm đến Mèo Vạc.
Lễ hội năm nay sẽ có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, diễn ra xuyên suốt từ ngày 9 – 21.11, như: Hội thi trình diễn và giới thiệu trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Văn; trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh; thêu tay trang phục truyền thống; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương. Bên cạnh đó, tại các điểm dừng chân và các làng văn hóa du lịch tiêu biểu tại các huyện trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian để du khách cùng tham gia trải nghiệm vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi thu hút du khách đến nghỉ dưỡng.
Theo thống kê của Sở VHTT&DL, trong dịp Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ IX năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt hơn 58.000 lượt người. Trong đó, khách nước ngoài gần 3.500 lượt và khách nội địa gần 55.000 lượt. Tại huyện Đồng Văn do lượng khách đến tăng đột biến, hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và khu ẩm thực luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần của tháng 10, lượng khách đến các điểm du lịch như Di tích Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm… tăng kỉ lục, có thời điểm đạt 5.000 - 7.000 khách/ngày. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Giang đã đón gần 2,5 triệu lượt du khách. Trong đó, khách quốc tế trên 290.000 lượt và khách nội địa gần 2,2 triệu lượt, tăng 14,3% so với cùng kỳ... Nắm bắt xu hướng của du khách dịp Lễ hội hoa Tam giác mạch và những tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao. Hiện nay, với quyết tâm và sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện trong vùng Công viên cùng sự đồng hành của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống đều đã có sự chủ động trong các hoạt động phục vụ du khách. Đồng thời, các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về giá, chất lượng phục vụ.
Du khách check-in tại cơ sở du lịch Clay House, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi.
Đơn cử, tại huyện Mèo Vạc đã chủ động định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện đón du khách thập phương đến tham quan, vọng cảnh và trải nghiệm những nét văn hóa đậm đà bản sắc. Cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch Clay House tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi hiện có gần 50 phòng nghỉ đơn và tập thể với sức chứa 250 khách. Rút kinh nghiệm qua những mùa Lễ hội, ngay từ đầu năm 2024, cơ sở đã đầu tư gần 600 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, nhằm phục vụ du khách đến ăn, nghỉ tốt nhất. Anh Nguyễn Sơn Tùng, chủ cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch Clay House cho biết: “Với sức hút của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và từ Lễ hội hoa Tam giác mạch, lượng khách sẽ tăng đột biến. Để đáp ứng được nhu cầu của du khách trong, ngoài nước, thời gian qua cơ sở đã chủ động sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng, phòng nghỉ cùng với đó cơ sở cũng cắt cử, đưa nhân viên đi học tập, đào tạo bổ sung thêm các kỹ năng về du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo khi du khách đến với Hà Giang đều hài lòng”.
Không chỉ các cụm du lịch, khu dịch vụ mà hiện các hộ nông dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc tranh thủ trong thời gian gối vụ đã gieo trồng các loại hoa ngắn ngày để tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách dừng chân, lưu giữ lại những khung hình đẹp. Chị Ly Thị Súng, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi cho biết: “Nắm bắt nhu cầu của du khách, gia đình tôi đã dành mảnh nương gần nhà rộng trên 300m2 để trồng các loại hoa: Tam giác mạch, Sao nhái và hoa Hướng dương để phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh. Hiện nay, các loại hoa đều đã nở rộ nên dù chưa phải ngày chính của lễ hội nhưng lượng du khách dừng lại chụp ảnh khá đông đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể so với trồng cây lương thực”.
Cùng với hoa Tam giác mạch, người dân còn trồng thêm các loại hoa thu hút du khách dừng chân chụp ảnh.
Trao đổi với chúng tôi sau khi lưu giữ lại khoảnh khắc đẹp bên hoa Tam giác mạch, các chị Lizzie Hammer và Jemima Wengraf (Vương Quốc Anh) tâm sự: “Thật may mắn khi chúng tôi chọn điểm đến trong chuyến du lịch ở Việt Nam là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Một vùng đất thật tuyệt vời từ quang cảnh, thiên nhiên cho đến con người nơi đây. Chỉ tiếc là chúng tôi phải kết thúc hành trình du lịch ở Hà Giang trước ngày Lễ hội. Chúng tôi sẽ quay lại, nhất định như vậy!”.
Năm 2024, huyện Mèo Vạc phấn đấu thu hút 542.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm. Để đạt được kế hoạch đề ra, Phó Giám đốc Trung tâm VHTTDL huyện Mèo Vạc Chu Minh Quang cho biết: “Nhằm tạo ấn tượng, sức hút với du khách, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo ngành chức năng, xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người đến du khách thập phương; tăng cường công tác quản lý các dịch vụ du lịch. Thường xuyên tiến hành kiểm tra điểm ngắm cảnh Mã Pì Lèng; bến du thuyền trên sông Nho Quế; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông… để kịp thời sự nhắc nhở đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...”.
Hiện nay, trên 100 cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, nhà nghỉ bình dân, homestay; hơn 60 cơ sở kinh doanh ăn uống; 35 cơ sở mua sắm và hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng đón, phục vụ du khách thập phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường khẳng định: “Đến nay, nhìn chung các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đảm bảo điều kiện phục vụ nhu cầu của khách du lịch”.
Bài, ảnh: PHI ANH