Meta hứng chịu chỉ trích do thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung

Meta hứng chịu chỉ trích do thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung
20 giờ trướcBài gốc
Biểu tượng Meta tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 7/1, việc hãng Meta quyết định chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba tại Mỹ đã vấp phải sự phản đối của các nhà nghiên cứu, do lo ngại điều này có thể dẫn đến những thông tin sai lệch.
Trong thông báo, Giám đốc điều hành (CEO) của Meta, Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ ngừng chương trình kiểm tra thông tin của bên thứ ba tại Mỹ. Thay vào đó, Meta sẽ sử dụng “Ghi chú Cộng đồng” tại Mỹ trong vài tháng tới và cải thiện mô hình này trong năm nay.
Mô hình mới sẽ cho phép người dùng chỉ ra những bài đăng có thể gây hiểu lầm và cần thêm ngữ cảnh, thay vì các tổ chức và chuyên gia độc lập kiểm chứng thông tin.
Mạng xã hội X cũng đang sử dụng tính năng ghi chú tương tự để người dùng có thể bổ sung ngữ cảnh cho bài đăng, song các nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của công cụ này trong việc chống thông tin sai lệch.
Phản ứng về quyết định của Meta, nhà đồng sáng lập của Trung tâm phục hồi thông tin Ross Burley đánh giá đây là bước thụt lùi lớn trong bối cảnh thông tin sai lệch và nội dung độc hại đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
Giáo sư Michael Wagner tại Đại học Wisconsin-Madison cho rằng việc Meta phó mặc cho người dùng mạng xã hội tự giám sát, khiếu nại các thông tin sai lệch trên chính nền tảng của công ty là hành vi né tránh trách nhiệm xã hội.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marsha Blackburn cho rằng đây là động thái của Meta nhằm tránh bị quản lý.
Trái lại, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại tỏ ra ủng hộ động thái của Meta.
Trước đó, với chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba, những nội dung bị đánh giá là sai lệch sẽ bị giảm tần suất xuất hiện trên bảng tin người dùng. Nếu có người định chia sẻ bài đăng, họ sẽ nhận được cảnh báo giải thích vì sao đây là thông tin sai lệch.
Theo cuộc khảo sát năm 2023 của Mạng lưới Kiểm tra Thông tin Quốc tế (IFCN) đối với 137 tổ chức trên hàng chục quốc gia, chương trình của Meta và các khoản tài trợ bên ngoài là “nguồn thu nhập chính” cho các bên kiểm tra thông tin toàn cầu.
Do đó, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các bên kiểm chứng thông tin tại Mỹ. Giám đốc IFCN Angie Holan cho rằng quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng đến những người dùng mạng xã hội mong muốn tìm kiếm thông tin chính xác và đáng tin cậy để đưa ra quyết định./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/meta-hung-chiu-chi-trich-do-thay-doi-chinh-sach-kiem-duyet-noi-dung-post1006448.vnp