Theo Meta, Waterworth sẽ kết nối 5 châu lục với các trạm cập bờ tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi cùng các khu vực trọng điểm khác.
Công ty mẹ Facebook đặc biệt nhắc đến các cơ hội tại Ấn Độ và vai trò của mạng trong việc triển khai dịch vụ AI trên toàn cầu là hai nguyên chính của dự án.
Tuyến cáp quang biển của Meta sẽ có độ dài 50.000 km, kết nối 5 châu lục. Ảnh: Meta
Meta cho biết sẽ tạo ra đột phá mới với kiến trúc riêng, cấu hình 24 cặp sợi (24FP), tối đa hóa cáp đặt ở độ sâu tối đa 7.000m, cùng kỹ thuật chôn lấp mới để giảm các lỗi ở những khu vực bị đánh giá là “rủi ro cao” do các vấn đề địa lý hoặc chính trị hoặc cả hai.
Trước đó, ngày 13/2, Nhà Trắng công bố tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ, nêu chi tiết các lĩnh vực hai nước sẽ hợp tác.
Đồng phát triển công nghệ dưới biển như một phần của hợp tác quốc phòng, dự án Waterworth của Meta và vai trò hỗ trợ tài chính của Ấn Độ được nêu trong tuyên bố.
Tuyến cáp của Meta sẽ khởi động trong năm nay. Ấn Độ dự định đầu tư vào bảo trì, sửa chữa và hỗ trợ tài chính cho cáp biển tại Ấn Độ Dương, sử dụng các nhà cung cấp đáng tin cậy.
Tháng 11/2024, TechCrunch đưa tin sự tăng trưởng của các trung tâm dữ liệu AI và dịch vụ đám mây ở Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới – là một lý do quan trọng khiến Meta bắt tay vào dự án.
Trong blog mới, Phó Chủ tịch kỹ thuật Gaya Nagarajan và Giám đốc đầu tư mạng toàn cẩu Alex-Handra Aime của Meta thông tin, tuyến cáp sẽ tạo điều kiện cho liên lạc kỹ thuật số, trải nghiệm video và giao dịch trực tuyến.
Dự án hàng tỷ USD kéo dài trong nhiều năm nhằm tăng cường quy mô và độ ổn định của các “cao tốc số” thông qua mở ra ba hành lang đại dương mới với kết nối tốc độ cao, thúc đẩy đổi mới AI trên khắp thế giới.
Theo các nhà phân tích viễn thông TeleGeography, Meta là đồng chủ nhân của 16 tuyến cáp. Waterworth sẽ là tuyến cáp quang biển đầu tiên mà công ty là chủ sở hữu duy nhất. Google – đối thủ của Meta – cũng tham gia sở hữu 33 tuyến cáp khác nhau.
(Theo TechCrunch)
Du Lam