Tuyến metro số 1 dài 19,7 km có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Ảnh: Y.S.
Gần ba năm đi học bằng xe bus từ trung tâm TPHCM tới Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, Nguyễn Ngọc Thùy Linh (sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) vui mừng khi tuyến tàu điện metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu hoạt động.
"Nhà mình cách trường là 23 km, cả đi lẫn về gần 60km. Mỗi lần đi học mất tầm 1 tiếng, nếu kẹt xe thì phải mất thêm 20 - 30 phút nữa. Hiện tại di chuyển bằng tàu chỉ mất 30 - 40 phút để tới trường, tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như hạn chế được việc ùn tắc giao thông và khói bụi", Linh chia sẻ.
Toàn cảnh Ga Đại học Quốc gia tại TP Thủ Đức. Ảnh: Y.S.
Giống như Thùy Linh, Bùi Thị Mai Duyên (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, Duyên là sinh viên tỉnh lẻ, hiện đang ở ký túc xá của Đại học Quốc gia TPHCM, Duyên sẽ dành thời gian rảnh vào cuối tuần để đi tàu Metro vào trung tâm thành phố vui chơi cũng như thăm hỏi họ hàng.
"Đường phố TPHCM khá đông đúc, mình không giỏi lái xe nên cũng ngại di chuyển vào trung tâm. Giờ đây tàu đã hoạt động, phần nào giúp sinh viên ở làng đại học như mình có thể thuận tiện di chuyển và dễ dàng tiếp cận các hoạt động vui chơi, văn hóa ở khu vực trung tâm thành phố hơn", Duyên nói.
Đông đảo người dân trải nghiệm tuyến tàu metro số 1. Ảnh: Y.S.
Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TPHCM, trong tháng đầu, tuyến vận hành từ ngày 22/12/2024 đến 20/1/2025, người dân đi tàu metro Bến Thành - Suối Tiên được miễn phí vé.
Trong 6 tháng đầu, đơn vị vận hành thực hiện mở tuyến lúc 5 giờ và đóng tuyến lúc 22 giờ; tàu chạy đều đặn 8 - 12 phút/chuyến. Sau 6 tháng, giờ mở tuyến là 5 giờ, đóng tuyến là 23 giờ 30 phút; đều đặn 5 - 10 - 15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ cao điểm/bình thường/thấp điểm).
Người dân có thể dùng thẻ MasterCard để đi tàu. Ảnh: Y.S.
Toàn tuyến có 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son) và 11 ga trên cao (Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Bến xe Suối Tiên). Tổng thời gian di chuyển toàn tuyến khoảng 30 - 32 phút, bao gồm thời gian tàu dừng.
Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu 3 toa, vận tốc tối đa 110 km/giờ cho đoạn trên cao và 80 km/giờ ở đoạn hầm. Sức chứa của mỗi đoàn tàu có thể lên đến 930 khách, gồm 783 khách đứng và 147 khách ngồi.
Người dân ngắm quang cảnh TPHCM qau tàu metro. Ảnh: Y.S.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ đưa vào hoạt động 150 xe buýt điện, phục vụ 17 tuyến kết nối với metro số 1. Trong đó, hai tuyến xe buýt kết nối với ga Đại học Quốc gia, phục vụ sinh viên và cư dân khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM.
Tại ga Đại học Quốc gia, sinh viên có thể bắt các tuyến xe buýt số 8, 10, 19, 30, 33, 53, 60-1, 60-2, 60-3, 67, 76, 93, 99, 150 tại trạm trên đường Quốc lộ 1 hoặc xe buýt số 164, 166 tại trạm trên đường Song hành. Trong đó, các tuyến xe buýt số 8, 10, 19, 30, 33, 53, 99 và 166 kết nối trực tiếp metro với Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM.
Giá vé gồm: vé lượt (vé chặng) đi một ga 7.000 đồng và đi cả tuyến 20.000 đồng/lượt. Vé ngày giá 40.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt đi. Vé 3 ngày giá 90.000 đồng, có giá trị trong 3 ngày và không hạn chế số lượt đi.
Vé tháng cho hành khách phổ thông là 300.000 đồng/tháng; đối tượng ưu tiên (học sinh, sinh viên) là 150.000 đồng/tháng. Trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi (trên 60 tuổi), người khuyết tật được miễn vé.
Yên San