Ngày 6/5, Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm “Các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt hiện đại, nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Trong đó, vấn đề tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị (metro) được nhiều nhà chuyên môn quan tâm.
Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến metro với tổng chiều dài lên đến 417,8km, nhưng đến nay mới chỉ có 1,5 tuyến (gồm Cát Linh – Hà Đông; ½ tuyến Nhổn – ga Hà Nội) được đưa vào khai thác.
TPHCM cũng đã điều chỉnh quy hoạch mạng metro từ 220km (năm 2013) lên 582km (năm 2024). Trong đó, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã vận hành, tuyến số 2 đang triển khai.
Hệ thống metro ở nước ta đang thiếu tính kết nối. Ảnh: N. Huyền
Tuy nhiên, hệ thống metro đang rơi vào tình trạng thiếu thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật (kích thước đường hầm, phương thức cấp điện, tín hiệu, vận hành...). Nguyên nhân các dự án hiện nay sử dụng tiêu chuẩn khác nhau là do phụ thuộc nguồn tài trợ (Nhật, Pháp, Trung Quốc...).
TS. Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch HĐQT – Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho rằng điều này dẫn đến lãng phí tài nguyên, khó khăn trong vận hành, bảo trì, đào tạo nhân lực và thiếu khả năng kết nối liên thông.
Đơn cử như việc các tuyến metro không tương thích hệ thống điều khiển, tín hiệu sẽ không thể chạy xuyên tuyến. Các tuyến không tích hợp hệ thống vé chung dẫn đến việc hành khách phải mua vé nhiều lần nếu muốn đi các tuyến khác nhau…
Theo ông Quốc, nếu tiếp tục duy trì cách làm metro như hiện nay sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển mạng lưới metro theo kế hoạch đến 2030 - 2045. Do đó, cần thay đổi cách làm, trong đó nội dung then chốt là thống nhất khung tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Chúng ta nên ưu tiên sử dụng hệ tiêu chuẩn quốc tế đã được kiểm chứng, thay vì xây dựng mới từ đầu gây tốn kém và mất thời gian.
Nên áp dụng hệ tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode) là phù hợp nhất hiện nay, vì đã được sử dụng rộng rãi, có sẵn tài liệu, không rào cản ngôn ngữ lớn. Đặc biệt, không thiên vị quốc gia nào, thúc đẩy huy động nhân lực quốc tế và phù hợp định hướng đề án tại Quyết định 198/QĐ-TTg của Chính phủ về hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn xây dựng”, ông Quốc nhấn mạnh.
TS. Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: N. Huyền
Ngoài ra, theo ông Quốc, cần xây dựng bộ thông số kỹ thuật dùng chung cho toàn mạng đường sắt đô thị, làm nền tảng cho thiết kế – vận hành – khai thác. Khi áp dụng được bộ thông số kỹ thuật dùng chung thì sẽ giảm chi phí đầu tư, vận hành…
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Khánh Lê (chuyên gia người Việt đang làm việc tại Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp - SNCF) cho biết, Liên minh đường sắt quốc tế (UIC) ra đời từ năm 1922 gồm 51 công ty từ 29 quốc gia, nhằm thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt. Việc thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt là căn cứ để UIC đưa ra các khuyến cáo phù hợp.
Chia sẻ tại tọa đàm, lãnh đạo Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, với vai trò là trường đại học trọng điểm duy nhất của cả nước về lĩnh vực giao thông vận tải, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhà trường đã triển khai 5 chương trình đào tạo kỹ sư các lĩnh vực đường sắt hiện đại.
Đặc biệt, trường đã tiếp nhận và biên dịch 88 tiêu chuẩn cốt lõi của đường sắt điện khí hóa và 29 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, bước đầu hình thành nền tảng kỹ thuật cho cộng đồng kỹ sư trong nước.
N. Huyền