Kim Philby: Thừa nhận lừa dối sau nhiều năm lẩn tránh
Ngày 14/1/2025, lần đầu tiên Anh công bố hồ sơ tuyệt mật của cơ quan tình báo nội địa MI.5, tiết lộ tài liệu tuyệt mật về hoạt động của nhóm điệp viên Liên Xô, lần đầu tiên công bố những thông tin công chúng chưa từng được biết tới.
Nhóm "Ngũ quái Cambridge" (Cambridge 5) là biệt danh được đặt cho mạng lưới gồm 5 điệp viên nổi tiếng từng học tập tại Đại học Cambridge hoạt động cho tình báo Liên Xô trong suốt giai đoạn từ những năm 1930 đến 1950, gồm: Kim Philby, Anthony Blunt, Guy Burgess, Donald Maclean và John Cairncross.
Tài liệu giải mật của MI.5 và Cục Lưu trữ Quốc gia Anh đã tiết lộ thông tin chi tiết về các cuộc điều tra liên quan tới nhóm Cambridge 5 mà hoạt động của họ từng là chủ đề truyền cảm hứng cho nhiều tiểu thuyết và phim điện ảnh về nghề tình báo.
Nhóm điệp viên Cambridge 5.
Trong bản thú tội chưa hoàn chỉnh dày 6 trang năm 1963, Kim Philby - trưởng nhóm Cambridge 5 đồng thời cũng là nhân vật cấp cao làm việc cho Cục Tình báo Đối ngoại Anh (MI.6) đã thừa nhận hoạt động lừa dối của mình sau nhiều năm bị nghi ngờ. Theo bản thú tội, Kim Philby kể lại việc đầu tiên anh ta gặp một người tên là “Otto” vào năm 1934 theo đề nghị của vợ ông là Lizzy (vốn là một đảng viên Cộng sản).
“Tóm lại, ông ấy đề xuất tôi nên làm việc cho một tổ chức mà sau này tôi có thể xác định là OGPU (cảnh sát mật của Liên Xô). Tôi đã giải thích rất cẩn thận về vị trí của mình và ông ấy đã bàn thảo với tôi rất lâu. Ông ấy vẫn giữ nguyên lời đề nghị và tôi đã chấp nhận”, Philby tường trình lại.
Theo tài liệu giải mật, Philby cũng kể lại trong quá trình làm gián điệp hai mang, Philby đã phản bội Konstantin Volkov - một sĩ quan KGB từng cố gắng đào tẩu sang phương Tây năm 1945 mang theo thông tin chi tiết về các điệp viên Anh, bao gồm cả chính Philby. Do sự can thiệp của Philby, Volkov đã bị bắt cóc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), bị đưa trở lại Matxcơva và bị hành quyết.
Philby cũng kể chi tiết cách ông đã giúp Liên Xô tuyển dụng 2 người trong nhóm “Cambridge 5” là Burgess và Maclean, sau đó báo cho họ biết Maclean sắp bị lộ vào năm 1951 dẫn đến việc cả hai đều đào thoát sang Liên Xô. “Tôi được đối xử tốt ở MI.6 và tôi đã kết bạn với một số người tuyệt vời ở đó. Nhưng nguồn cảm hứng lớn nhất lại là phía bên kia”, Philby thừa nhận.
Philby nói với Elliott rằng, sự lựa chọn mà ông phải đối mặt khi bị phát hiện là “giữa tự tử và bị truy tố”. Nhưng cuối cùng, Philby đã kịp trốn sang Liên Xô ngay sau khi thừa nhận hoạt động tình báo của mình và qua đời vào năm 1988.
Kim Philby - Trưởng nhóm Cambrigde 5.
Anthony Blunt: Gián điệp được miễn truy tố
Về vai trò của Anthony Blunt, tài liệu được MI.5 công bố cho thấy điệp viên này đã thú tội để đổi lấy quyền miễn trừ truy tố. Là người cao ráo, quyến rũ và khá kiêu ngạo, trong Thế chiến II, Blunt làm việc cho MI.5. Sau đó, nhờ có chuyên môn về lịch sử nghệ thuật, Blunt trở thành Giám đốc của Viện Nghệ thuật Courtauld và tiếp đó là cố vấn nghệ thuật cho Hoàng gia Anh. Năm 1956, Blunt thậm chí còn được phong tước hiệp sĩ.
Năm 1964, Blunt thú nhận, trên cương vị là một sĩ quan cấp cao của MI.5 trong Thế chiến II, Blunt đã chuyển thông tin mật cho cơ quan tình báo KGB của Nga. Thời điểm đó, Blunt đang là cố vấn nghệ thuật cho Nữ hoàng Anh Elizabeth. Tuy nhiên, Nữ hoàng Elizabeth không được MI.5 thông báo về hoạt động của điệp viên Liên Xô ngay trong chính cung điện của bà.
Các tài liệu được giải mật của MI.5 cho thấy, cơ quan an ninh Anh quốc đã bảo vệ chặt chẽ thông tin mà ông Anthony Blunt thú nhận vào tháng 4/1964, nhưng mãi đến năm 1973 mới thông báo điều này. Trong tài liệu ghi lại, vào tháng 11/1972, Giám đốc MI.5 lúc đó là Michael Hanley cho biết, chỉ có Philip Moore - Phó Giám đốc MI.5 và Martin Charteris - thư ký riêng của Nữ hoàng biết về chuyện này.
Năm 1972, Charteris đã nói với Hanley rằng: “Không có ích lợi gì khi nói với Nữ hoàng về điều đó, mà chỉ làm bà thêm lo lắng”. Lúc đó, ông Blunt sắp nghỉ hưu ở tuổi 65. Ông Charteris khẳng định rằng, Nữ hoàng hoàn toàn không thích Blunt và hiếm khi gặp ông ta.
Năm 1973, Chính phủ của Thủ tướng Edward Heath đã đề nghị ông Charteris trình bày tường tận sự việc cho Nữ hoàng. Nhưng điều mà mọi người sửng sốt, như lời ông Martin Charteris kể lại rằng, “Nữ hoàng đã đón nhận mọi chuyện rất bình tĩnh và không hề ngạc nhiên. Bà còn nói, hình như ông Blunt đã bị nghi ngờ từ rất lâu sau vụ án Burgess và Maclean (hai người cùng nằm trong nhóm gián điệp khét tiếng “Cambridge 5”). “Rõ ràng là bà có nghe vào đầu những năm 1950, nhưng rất lâu sau vẫn nhớ” - ông Michael Hanley nói vào tháng 3/1973.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Anthony Blunt.
Hồ sơ an ninh trước đây đã chỉ ra Thủ tướng Anh (năm 1964) Alec Douglas-Home cũng không được thông báo gì về điều này cho đến khi Thủ tướng Margaret Thatcher công khai vụ việc vào năm 1979. Năm 1979, dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher, thông tin Blunt là điệp viên Liên Xô đã được công khai. Blunt bị tước danh hiệu hiệp sĩ cùng với các danh hiệu học thuật khác, nhưng không bị truy tố. Blunt qua đời vào năm 1983 ở tuổi 75.
Đặc vụ của MI.5 là Arthur Martind đã mô tả chi tiết về cuộc đối đầu của ông với Blunt trong căn hộ ở Viện Courtauld vào ngày 23/4/1964. Blunt đã bị MI.5 nghi ngờ và thẩm vấn 11 lần kể từ khi Burgess và Maclean đào tẩu sang Liên Xô năm 1951. Nhưng ông Martind đã thuyết phục Blunt về quyền miễn trừ truy tố. Sau khi im lặng một lúc, câu trả lời của Blunt là: “Cho tôi 5 phút để tôi đấu tranh với lương tâm của mình”.
“Ông ấy ra khỏi phòng, tự lấy đồ uống, quay lại và đứng ở cửa sổ nhìn ra quảng trường Portman. Tôi đã để cho ông ấy yên vài phút, sau đó yêu cầu hãy trút hết mọi tâm sự. Ông ấy quay lại ghế và kể câu chuyện của mình” - báo cáo của đặc vụ Arthur Martind cho biết. Lời thú nhận của Blunt thể hiện rõ sự lo lắng của ông ta.
“Sau mỗi câu hỏi đều là một khoảng lặng dài, Blunt dường như đang tự tranh luận với chính mình về cách trả lời. Cuối cùng, ông ấy có vẻ thực sự suy sụp rồi nói ra như thể trút được gánh nặng” - đặc vụ Martin viết. Ông Blunt đã thú nhận sự thật rằng, ông đã làm gián điệp cho Liên Xô khi còn là sĩ quan cấp cao của MI.5 vào những năm 1930.
Hồ sơ về điệp viên Anthony Blunt được chụp tại Cục Lưu trữ Quốc gia Anh.
Trong suốt một số cuộc thẩm vấn, nhà sử học về nghệ thuật Hoàng gia Anh cũng kể chi tiết về những trao đổi với các “đồng đội khác”. Đơn cử năm 1951, ông Burgess (làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Washington với Philby) đột nhiên trở về Anh để cảnh báo ông Maclean (khi đó đang làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh) rằng ông có nguy cơ bị lộ và phải đến Liên Xô. Blunt tin rằng, khi đó ông Burgess cũng đã thuyết phục phía đối tác Liên Xô (mang mật danh là Peter hay Yuri Modin) phải giúp ông đào tẩu vì biết “cuộc sống của ông ở Anh đã kết thúc”.
Khi đến để tạm biệt, Burgess trong tình trạng say khướt, “hoàn toàn suy sụp và đã dùng tất cả các loại thuốc đổ lẫn cùng đồ uống”. Sau đó, Blunt cũng cảm thấy “có vấn đề” với Peter. Ông chỉ gặp Peter 2 lần sau khi được hướng dẫn tìm một “chữ thập bằng phấn trắng” ở địa điểm hẹn trước. Khi gặp nhau, Peter nhắc về vấn đề Blunt cũng phải ra đi và đưa cho ông một tập đô la Mỹ cùng bảng Anh rồi chỉ dẫn đến Paris, sau đó là Helsinki và đến Nga.
“Ngoài việc tôi không có ý định chạy trốn, tôi hoàn toàn hiểu rằng họ đơn giản là không có bất kỳ kế hoạch nào cả” - ông kể với đặc vụ Anh. Thậm chí, ông “hơi ngạc nhiên” khi Peter “không có biểu hiện nghiêm khắc” khi ông từ chối rời bỏ nước Anh. Vụ án của Blunt đã bị Thủ tướng Margaret Thatcher công khai vạch trần tại Hạ viện. Cuối cùng, ông đã bị tước bỏ tước hiệu Hiệp sĩ, nhưng được miễn quyền truy tố.
Và người cuối cùng trong nhóm “Cambridge 5” - Cairncross được công khai vào những năm 1990 đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 1964 tại Mỹ rằng, ông cũng đã được tình báo Liên Xô tuyển dụng. Sau vụ đào tẩu của các cộng sự, thư từ liên lạc giữa Cairncross và “Cambridge 5” đã được tìm thấy. John Cairncross đã phủ nhận việc làm gián điệp nhưng thừa nhận đã cung cấp tin cho Guy Burgess. Tuy nhiên, sau khi Kim Philby bỏ trốn, Cairncross bị tái thẩm vấn và lần này phải thừa nhận khi một loạt các bằng chứng không thể chối cãi được đưa ra.
“Cairncross đã thừa nhận làm gián điệp từ năm 1936 đến năm 1951” - một bức điện tín được gửi từ Washington nêu rõ. Các hồ sơ của tình báo của Anh thường được giữ kín trong nhiều thập kỷ, nhưng các cơ quan này đang dần tiến tới sự công khai hơn. Một số tài liệu mới được giải mật sẽ được trưng bày trong triển lãm mang tên “MI.5: Bí mật chính thức” khai mạc tại Cục Lưu trữ quốc gia London nhân 115 năm thành lập MI.5.
Vào cuối những năm 1920, KGB đã lên kế hoạch xâm nhập vào Cơ quan tình báo Anh. Với mục tiêu cài cắm người vào bộ máy cấp cao chính quyền, kể cả các cơ quan tình báo nội địa MI.5, tình báo ngoại tuyến MI.6 và Bộ Ngoại giao Anh, tình báo Liên Xô đã nhắm đến những đối tượng là các sinh viên có quan điểm tả khuynh từ các trường đại học hàng đầu của nước này. Họ là những người xuất thân từ các gia đình dòng dõi, có khả năng leo cao, luồn sâu trong các cơ quan quyền lực. Đây được đánh giá là một chiến lược hoàn hảo của KGB.
Công việc tuyển mộ được tiến hành vào đầu những năm của thập niên 1930. Năm 1934, tại Cambridge, tình báo Liên Xô đã nhanh chóng móc nối chiêu mộ được 3 trí thức đầu tiên. Vài năm sau, thêm 2 người nữa gia nhập nhóm này và cái tên “Cambridge 5” được biết đến từ đó. Tất cả 5 thành viên đều tình nguyện hoạt động gián điệp vì lý tưởng chứ không phải vì tiền bạc.
Ngân Giang