Mì thanh long Caty từng viral lên Shark Tank gọi vốn 1 triệu USD

Mì thanh long Caty từng viral lên Shark Tank gọi vốn 1 triệu USD
8 giờ trướcBài gốc
Thương hiệu mì tôm thanh long Caty từng viral trên mạng xã hội cách đây không lâu. Ảnh: Shark Tank.
Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 13 chứng kiến thương vụ gọi vốn từ Caty Food với thương hiệu mì tôm thanh long từng gây "bão" trên mạng xã hội.
Bà Phan Thị Na - Tổng giám đốc, đồng sáng lập Công ty CP Caty Food muốn kêu gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp 20 triệu USD.
Theo bà Na, dù thị trường mì ăn liền cạnh tranh quyết liệt nhưng Caty Food đặt mục tiêu năm 2026 có thể chiếm lĩnh 5% thị phần.
Thực tế, mì thanh long đã tiêu thụ được hơn 3 triệu gói mì sau thành công của chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”. Công ty đã mở rộng được hơn 10.000 điểm bán, doanh thu 2023 là 46 tỷ đồng, biên lợi nhuận sau thuế là 8%. Mục tiêu năm 2024 đạt được doanh thu 250 tỷ đồng và sẽ mở rộng hơn 50.000 điểm bán vào năm sau.
Đội ngũ Caty Food cho biết hiện tại đã ký kết thành công với 2 đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, với Mỹ, đã ký kết thành công 5 container. Với Trung Quốc, đã ký kết thành công 7 container và đang đàm phán ký kết với Nga 10 container và Indonesia 8 container. Mỗi container có giá trị hàng dao động 700-800 triệu đồng.
Shark Minh Beta chia sẻ: “Cá nhân tôi nhận định thị trường mì tôm rất đỏ lửa, nó đỏ như vỏ của trái thanh long vậy. Theo tôi biết trên thị trường có khoảng 50 công ty sản xuất mì tôm và 4 ông lớn thì chia đa số thị phần, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn thì cũng rất chật vật. Ngành này biên lợi nhuận không cao”.
Đánh giá Caty Food đã có kế hoạch truyền thông thành công giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, tuy nhiên Shark Minh Beta nhận thấy khả năng duy trì sự thành công rất thấp.
Đồng quan điểm, Shark Lê Mỹ Nga đánh giá kết quả kinh doanh tốt của Caty Food chỉ là nhất thời nhờ sự ủng hộ của khách hàng “giải cứu thanh long”. Bà không thấy bức tranh sáng sủa về thị trường mì tôm cả ở quốc tế và Việt Nam trong tương lai nên không đầu tư. Shark Phi Vân cũng từ chối vì không phải khẩu vị đầu tư.
Shark Phi Vân cho biết nếu chỉ dừng lại ở mì tôm thì không phải khẩu vị của bà.
Là người cuối cùng đưa ý kiến, trước khi ra deal, Shark Bình chia sẻ về cách ông định giá Caty Food: “Trong ngành này, tôi tra ra ở Mỹ, các công ty trên sàn chứng khoán chỉ có P/E (giá trên thu nhập cổ phiếu) khoảng 15 lần. Nhưng với công ty startup như Caty Food thì định giá chỉ tối đa 10 lần. Lợi nhuận năm nay 20 tỷ đồng thì định giá chỉ khoảng 200 tỷ đồng”. Với cách định giá này, Shark Bình ra deal 1 triệu USD cho 11,1% cổ phần.
Phía Caty Food khẳng định công ty rất tự tin với giá trị thương hiệu cũng như mục tiêu tương lai, nên quyết giữ định giá ban đầu. Shark Bình tiếp tục thuyết phục rằng ông đang mua “đúng giá thị trường”.
“Trong tương lai các bạn tăng trưởng thì tôi mới có lời. Còn nếu không tăng trưởng, thậm chí đi xuống, có nhiều đối thủ cạnh tranh nhảy vào là tôi lỗ với khoản đầu tư này. Các bạn nhận deal thì chỉ có lợi thôi, tôi là người chịu rủi ro. Tất nhiên rủi ro đi kèm cơ hội, nhưng là 50/50 ”, Chủ tịch NextTech cho biết.
Sau khi hội ý, đội ngũ Caty Food đã quyết định nhận deal 1 triệu USD cho 10% cổ phần của Shark Bình.
Diệu Thanh
Nguồn Znews : https://znews.vn/mi-thanh-long-caty-tung-viral-len-shark-tank-goi-von-1-trieu-usd-post1505872.html