Miền Bắc đón không khí lạnh, Biển Đông 'chào' bão Trà Mi, thời tiết nguy hiểm như thế nào?

Miền Bắc đón không khí lạnh, Biển Đông 'chào' bão Trà Mi, thời tiết nguy hiểm như thế nào?
2 giờ trướcBài gốc
Miền Bắc đón không khí lạnh, liệu có mưa to "sầm sập"
Sáng 22/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 4.
Ghi nhận của Người Đưa Tin sáng ngày 22/10, bầu trời Hà Nội chìm trong lớp sương mù dày đặc. Ảnh: Hữu Thắng.
Dự báo diễn biến không khí lạnh trong 24 giờ đến 48 giờ tới:
Trên đất liền, khoảng chiều tối và tối 22/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Trong đợt không khí lạnh này, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời mát; từ đêm 23/10, đêm và sáng trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 19-21 độ, vùng núi 17-19 độ, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ; ở Thanh Hóa-Nghệ An nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-23 độ.
Trên biển khu vực Bắc Biển Đông, gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,5-4,5m; từ đêm 22/10, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 1,5-2,5m.
Dự báo chi tiết:
Cảnh báo chiều tối và đêm 22/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác. Từ đêm 22/10 đến ngày 23/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Thời điểm nào xuất hiện rét đậm, rét hại?
Chuyên gia nhận định, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh từ tháng 11 - 12/2024. Đến tháng 1 - 2/2025, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất và có khả năng tiếp tục gây ra các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Tháng 1 và tháng 2 cũng là thời kì rét nhất trong năm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) chia sẻ với VOV: "Không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh từ tháng 11 - 12/2024. Đến tháng 1 - 2/2025, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất và có khả năng tiếp tục gây ra các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Tháng 1 và tháng 2 cũng là thời kì rét nhất trong năm. Nền nhiệt mùa đông năm nay thấp hơn 0,5 độ C hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm. Số ngày rét đậm - rét hại sẽ có khả năng xuất hiện nhiều ngày hơn so với mùa đông năm 2023 - 2024".
Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết thêm: "Trong tháng 1/2025, đồng bằng Bắc Bộ thường có nền nhiệt trung bình khoảng 16,5 - 17 độ C. Với nhiệt độ trung bình ở mức thấp như vậy thì khi không khí lạnh mạnh về có thể kéo nhiệt độ giảm sâu gây ra tình trạng rét đậm rét hại. Dưới 15 độ C sẽ xảy ra rét đậm, dưới 13 độ C xảy ra rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng có thể xuống 7 - 10 độ C, vùng núi 0 - 4 độ C, vùng núi cao có thể dưới 0 độ C. Cần đề phòng khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm sương muối, băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ trong các tháng chính đông".
Dự báo bão Trà Mi sẽ vào Biển Đông, diễn biến phức tạp
Áp thấp nhiệt đới ở gần Philippines đã mạnh lên thành bão Trà Mi (tên quốc tế là Trami, còn Philippines gọi là bão Kristine). Hiện tại, các mô hình dự báo lớn đều cho rằng bão sẽ vào Biển Đông, như vậy, nước ta sẽ gọi đây là cơn bão số 6. Diễn biến của cơn bão này rất phức tạp khi nó có thể sẽ mạnh lên ngay tại Biển Đông.
Theo cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA), tâm bão Trà Mi ở phía Đông Philippines, sức gió duy trì tối đa là 65 km/h (cấp 8), gió giật 80 km/h (cấp 9). PAGASA đã ra cảnh báo mưa to gió lớn ở nhiều vùng, một số tỉnh thành ở Philippines vẫn tạm đóng cửa các trường học.
Trong khi đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ dự báo, bão Trà Mi đi theo hướng Tây Bắc trong 36 giờ tới, có thể còn tách đôi và đạt cường độ cực đại với sức gió 95 - 100 km/h (cấp 10) trước khi đổ bộ Philippines.
Hiện tại, tất cả các mô hình của JTWC, PAGASA, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) và các mô hình của châu Âu đều dự báo bão Trà Mi sẽ đi vào Biển Đông ngày 24 - 25/10. Như vậy, có thể nói đây là khả năng rất cao, gần như chắc chắn. Trong trường hợp đó, bão Trà Mi sẽ trở thành cơn bão số 6.
Đáng chú ý, sau khi vào Biển Đông, bão Trà Mi diễn biến rất phức tạp. JTWC nhận định, bão yếu đi một chút khi băng qua Philippines, nhưng rồi gặp điều kiện thuận lợi ở Biển Đông và sẽ lại mạnh lên, đạt sức gió 100 km/h.
Phần lớn dự báo cho rằng, bão sẽ đi chủ yếu theo hướng Tây, bão về phía miền Trung nước ta hoặc hơi lệch lên gần miền Bắc. Riêng mô hình của Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) nhận định, bão đi ngược lên phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Do bão Trà Mi có hoàn lưu rất rộng, có thể gây mưa ở cách rất xa tâm bão, đồng thời việc phòng chống thiên tai là luôn cần thiết, nên người dân lưu ý thường xuyên theo dõi thông báo của các cơ quan chức năng địa phương trong những ngày tới để có cách ứng phó phù hợp trong trường hợp bão đến gần.
Trước diễn biến phức tạp của bão Trà Mi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phát đi công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão gần Biển Đông.
Trúc Chi(t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/mien-bac-don-khong-khi-lanh-bien-dong-chao-bao-tra-mi-thoi-tiet-nguy-hiem-nhu-the-nao-204241022110451121.htm