Một trong những tỉnh đầu tiên có chính sách miễn, giảm học phí
Trước khi có chủ trương miễn học phí của Bộ Chính trị, với sự chủ động trong bố trí nguồn lực cho giáo dục, HĐND tỉnh Long An đã ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 21/5/2024 quy định chính sách miễn, giảm học phí đối với trẻ em mầm non dưới 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở thuộc các trường công lập. Theo đó quy định, năm học 2024 - 2025, giảm 50% học phí đối với trẻ mầm non dưới 5 tuổi; miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở đang học chương trình giáo dục phổ thông tại các trường công lập. Từ năm học 2025 - 2026 trở đi, sẽ miễn học phí đối với trẻ em mầm non dưới 5 tuổi trường công lập.
Long An luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho thế hệ học sinh. Ảnh: C.Thành
Với sự chủ động này, Long An là một trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và là địa phương đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long có chính sách miễn, giảm học phí cấp mầm non và trung học cơ sở công lập. Nghị quyết này thực sự đã thổi luồng gió mới vào sự nghiệp giáo dục đào tạo của địa phương, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.
Ngoài thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập chung theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, năm học 2024-2025 vừa qua, tỉnh đã cấp bù học phí với tổng kinh phí là 53,414 tỷ đồng theo Nghị quyết số 03/2024/NQ của HĐND tỉnh.
Chủ động mở rộng đối tượng học sinh ngoài công lập
Tiếp sau nghị quyết trên, Thường trực HĐND tỉnh Long An giao Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát, đánh giá tác động. Qua giám sát tại địa phương cho thấy, việc áp dụng chính sách miễn giảm học phí cho học sinh mầm non và phổ thông có sự khác biệt trong hệ thống giáo dục giữa công lập và dân lập. Vì vậy, ngoài miễn học phí học sinh trường công lập, Thường trực HĐND tỉnh định hướng phối hợp với UBND tỉnh xây dựng nghị quyết mở rộng phạm vi, đối tượng ngoài công lập, bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận chính sách giáo dục, điều này rất cần thiết và kịp thời.
TS. Mai Văn Nhiều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh Long An. Ảnh: C. Thành
Trước hết, cần thiết để thể hiện tính công bằng về cơ chế, chính sách đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; thể hiện chính sách nhất quán về khuyến khích xã hội hóa cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là những nơi phát triển công nghiệp, đô thị, ngân sách nhà nước không thể đầu tư đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Mặt khác, cũng thể hiện tính kịp thời, đồng bộ, khắc phục khác biệt giữa các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập.
Với góc độ địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Long An đề nghị đối tượng, phạm vi, phương thức phù hợp với thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh trong hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo hướng: mức miễn, giảm bằng với mức học phí quy định tại các cơ sở giáo dục công lập; xem xét đối tượng, phạm vi áp dụng cho phù hợp với chủ trương của trung ương và định hướng khuyến khích của địa phương. Chẳng hạn, không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (theo chương trình giáo dục quốc tế); không áp dụng cho học sinh trung học phổ thông ngoài công lập (do yêu cầu phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở).
Dự kiến năm học 2025-2026, kinh phí cấp bù khi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh mầm non và phổ thông công lập là 136,824 tỷ đồng/năm học. Đối với hệ ngoài công lập dự kiến 21,665 tỷ đồng/năm học; việc hỗ trợ này dự kiến thực hiện bằng cách cấp kinh phí trực tiếp đến từng học sinh thông qua phụ huynh.
Đồng bộ các giải pháp phát huy hiệu quả
Chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí là chủ trương lớn, đúng đắn và qua một năm tỉnh Long An chủ động thực hiện cho thấy, để chủ trương này đi vào thực tiễn kịp thời, đầy đủ, hiệu quả là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần giải pháp cụ thể toàn diện để thực hiện. Trước hết, cần cân đối nguồn ngân sách nhà nước cấp bù học phí đúng, đủ, kịp thời. Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí để các cơ sở giáo dục, học sinh, phụ huynh nắm, thực hiện đầy đủ. Thứ ba, có cơ chế tài chính phù hợp khi không thu học phí ở khối công lập ngay trong quá trình lập dự toán hàng năm, bảo đảm các cơ sở giáo dục đủ kinh phí thực hiện nhiệm vụ, nhất là kinh phí hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ tư, cần cơ chế cụ thể, thống nhất về cấp phát ngân sách nhà nước để miễn, giảm học phí cho học sinh ngoài công lập. Vấn đề đáng quan tâm nữa là thủ tục thực hiện chính sách phải thuận lợi, dễ dàng cho đối tượng thụ hưởng nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, lợi dụng chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
Chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí bảo đảm sự thống nhất, công bằng trong tiếp cận giáo dục; góp phần đạt mục tiêu phổ cập giáo dục và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm an sinh xã hội, giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Đây được xem là chính sách đột phá, ưu việt, nhân văn, hợp lòng dân. Vì vậy, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm thực hiện hiệu quả với tinh thần tất cả vì thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy và đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
TS. Mai Văn Nhiều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh Long An