Sáng 22-5, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng học sinh, người học.
Theo bộ trưởng, hiện nay ngân sách nhà nước đã thực hiện chính sách miễn, giảm, không thu học phí đối với một số nhóm đối tượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ mầm non dưới năm tuổi, học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục phải đóng học phí.
Do đó, dự thảo nghị quyết đề xuất bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ học phí gồm: Trẻ em mầm non dưới năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục, học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Chính sách hỗ trợ học phí lần này không chỉ áp dụng với hệ thống công lập mà còn mở rộng tới cả các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục...
Thông tin về chính sách mới nhanh chóng thu hút sự quan tâm và đồng tình từ đông đảo phụ huynh, giáo viên và dư luận xã hội. Nhiều ý kiến kỳ vọng nghị quyết nếu được thông qua sẽ góp phần giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, đồng thời tạo điều kiện học tập thuận lợi hơn cho học sinh trên cả nước.
Hy vọng lớn, kỳ vọng nhiều
Anh Ngô Chí Nguyện, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, chia sẻ: “Việc Chính phủ đề xuất miễn học phí cho học sinh công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục tư thục là một quyết định đúng đắn; người lao động phổ thông thu nhập khiêm nhường như tôi như được đỡ đần phần nào chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Con được miễn học phí, cha mẹ cũng nhẹ đi gánh nặng tài chính”.
Chị Nguyễn Phượng, ngụ quận 12, TP.HCM, chia sẻ: “Cũng như bao nhiêu bậc cha mẹ khác, tôi luôn mong muốn con mình được học hành tử tế, có tương lai tốt đẹp. Kinh tế khó khăn, chi tiêu cho con cái học hành là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi hay những hộ lao động có thu nhập thấp. Sắp tới con được miễn học phí, chúng tôi sẽ đầu tư vào các chi phí học tập khác cho con dụng cụ học tập, học tăng cường tiếng Anh và bồi dưỡng cho con khỏe mạnh hơn”…
Ông Hoàng Nam (cán bộ hưu trí ở quận Tân Bình, TP.HCM) nói ông rất kỳ vọng vào một tương lai tươi đẹp của thế hệ trẻ con cháu. “Miễn học phí không chỉ là hỗ trợ tài chính cho các gia đình, mà còn là chính sách xã hội có tầm nhìn dài hạn, đặt con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, làm trung tâm của sự phát triển. Đây là bước đi quan trọng hướng tới một xã hội công bằng, phát triển hài hòa và bền vững. Chính sách miễn học phí có tác động mạnh mẽ nhất tới xóa đói giảm nghèo, bởi người có học thức cao hơn sẽ có khả năng kiếm việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn và tiếp tục đầu tư cho thế hệ sau” - ông Nam đánh giá.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi, kỳ vọng chính sách này sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp con em đến trường thuận lợi hơn. Ảnh: TRẦN MINH
Cần tính toán kỹ lưỡng
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (Nghệ An) lại quan tâm tới sự cân đối vùng miền trong phân bổ chính sách. “Các nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng vốn dễ bị bỏ lại trong quá trình phát triển. Việc miễn học phí có thể gắn kết người dân với hệ thống chính trị, thông qua lợi ích thiết thực, tạo nền tảng ổn định lâu dài cho các cải cách sâu hơn trong giáo dục và an sinh.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc ở nông thôn, nhiều khi được miễn học phí nhưng thiếu giáo viên, lớp học xuống cấp. Thành ra con em vẫn không được học hành đầy đủ. Tôi mong chính sách đi kèm với đầu tư cho chất lượng giáo dục” - chị Ngân bày tỏ.
Chị Ngân đề nghị cần có cơ chế ưu tiên hỗ trợ sâu hơn với những khu vực khó khăn, nơi trẻ em dễ bị bỏ học vì các điều kiện ngoài học phí như đi lại, ăn ở, sách vở, thiết bị học tập.
Cùng quan điểm với chị Ngân, ông Nguyễn Hữu Tâm, một cựu cán bộ giáo dục về hưu, cho rằng chính sách miễn học phí nếu làm đến nơi đến chốn sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong giáo dục. Giáo dục chính là chiếc cầu nối khoảng cách giữa các nhóm dân cư, từ đó giảm bất bình đẳng về thu nhập, cơ hội và vị thế xã hội. Có điều nhà quản lý giáo dục cần lường trước việc học sinh đến trường tăng hơn tại các khu vực đô thị hoặc vùng khó khăn thì phải kịp thời có đầy đủ cơ sở vật chất, giáo viên, để tránh bị quá tải, ảnh hưởng chất lượng dạy học”.
Tương tự, chị Phan Thùy Linh, một phụ huynh có con học THPT tại trường tư thục, nêu góc nhìn thẳng thắn: “Tôi hoan nghênh việc hỗ trợ học phí cho cả trường tư nhưng Nhà nước cũng cần có ràng buộc để các trường không tăng phí dịch vụ. Có hỗ trợ là tốt nhưng phải bảo đảm minh bạch và công bằng trong việc quy định các chi phí khác”.
Chương trình miễn học phí ở các nước ra sao?
Tại Mỹ, công dân Mỹ được cung cấp giáo dục công lập hoàn toàn miễn phí từ mẫu giáo đến lớp 12, theo trang web của Bộ An ninh nội địa Mỹ. Nguồn thu thuế của địa phương, tiểu bang và liên bang sẽ tài trợ cho các trường công lập.
Công dân nước ngoài chỉ được phép học tại trường THPT công lập ở Mỹ và không được học tại trường công từ mẫu giáo đến lớp 8. Khi theo học tại các trường THPT công lập phải tự chi trả toàn bộ chi phí học tập, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại Singapore, trẻ em là công dân Singapore đang theo học tại các trường mẫu giáo thuộc hệ thống Anchor Operator hoặc trường mẫu giáo do Bộ Giáo dục quản lý sẽ được hỗ trợ học phí mẫu giáo nếu tổng thu nhập hộ gia đình hằng tháng không vượt quá 12.000 đô la Singapore, theo trang web của Bộ Giáo dục Singapore.
Đối với các cấp tiểu học, THCS, THPT, học phí sẽ được phân loại dựa trên tình trạng lưu trú, tăng dần từ công dân Singapore, thường trú nhân, học sinh nước ngoài đến từ khối ASEAN và học sinh nước ngoài không thuộc khối ASEAN.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Thái Lan, từ năm 2009, Thái Lan áp dụng cung cấp 15 năm giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em nước này.
THẢO VY
TRẦN MINH - TUẤN ANH