Dấu ấn từ chủ trương lớn
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên cơ sở các kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ trình Quốc hội miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập.
Miễn học phí giúp giảm gánh nặng tài chính, đảm bảo công bằng giáo dục trong bối cảnh dân số già hóa và chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: Lê An
Đồng thời, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ đóng học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chính phủ đề xuất sẽ áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.
Đối với hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải trẻ em mầm non 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, tư thục, học sinh tiểu học ở các trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh trung học cơ sở tại các cơ sở tư thục đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng học phí.
Do vậy, việc quy định hỗ trợ cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Quy định trên cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục và các Kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Động lực kiến tạo tương lai
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề miễn học phí, TS. Trần Duy, phụ trách Bộ môn báo chí, Khoa Đa phương tiện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho biết: Miễn học phí không chỉ là chính sách giáo dục, đó là lời tuyên bố mạnh mẽ về một xã hội sẵn sàng tạo nền tảng phát triển công bằng cho mọi thành viên. Khi chủ trương miễn học phí được đưa ra, chúng ta kỳ vọng đó sẽ là bước tiến về tư duy phát triển, một cam kết vững chắc trong việc bảo vệ quyền tiếp cận giáo dục toàn diện.
TS. Trần Duy, phụ trách Bộ môn báo chí, Khoa Đa phương tiện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông). Ảnh: NVCC
“Tôi tin rằng, đằng sau những con số tính toán về tài chính, ngân sách, còn là hàng triệu giấc mơ được tiếp tục, hàng triệu cánh cửa không khép lại vì lý do kinh tế. Miễn học phí là sự tiếp sức đầy nhân văn cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa, con em công nhân, nông dân. Đây là những đối tượng vốn dễ bị tổn thương trong hệ thống giáo dục nếu thiếu chính sách hỗ trợ kịp thời”, TS. Trần Duy chia sẻ.
TS. Trần Duy cho hay, mình đã chứng kiến nhiều học sinh đầy năng lực phải rời ghế nhà trường vì gia đình quá khó khăn. Chính sách miễn học phí sẽ là lá chắn để những hoàn cảnh ấy không còn lặp lại. Đó là sự đầu tư dài hạn, mang lại hiệu quả kép với phát triển con người và ổn định xã hội. Quốc gia biết đầu tư cho giáo dục là quốc gia đang chọn con đường bền vững nhất để đi lên.
“Miễn học phí không đồng nghĩa với miễn trách nhiệm. Nhà nước lo chi phí, nhưng phụ huynh, cộng đồng và nhà trường cần cùng nhau tạo nên môi trường giáo dục chất lượng, đổi mới, kỷ cương. Chúng ta không chỉ cần trường học, lớp học, mà còn cần giáo dục đến trái tim”, TS. Trần Duy bày tỏ.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Duy, chính sách miễn học phí sẽ không thể phát huy hết hiệu quả nếu thiếu hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập cho giáo viên, cải tiến chương trình, thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận tri thức số. Miễn học phí cần đi cùng nâng chất lượng giáo dục.
“Quyết định miễn học phí sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, không chỉ là sự đồng tình của triệu trái tim, mà còn là động lực để chúng ta cùng nhau kiến tạo một tương lai không có ai phải lựa chọn giữa cái ăn và cái học”, TS. Trần Duy nhìn nhận.
Trước đó, vào ngày 22/5 trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tại đây, các đại biểu đều cho biết, chính sách miễn học phí thể hiện bước tiến lớn về công bằng giáo dục, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi trẻ em trên toàn quốc.
Đồng thời, các đại biểu lưu ý, chính sách hỗ trợ học phí chỉ là một phần trong tổng thể chính sách phát triển giáo dục. Muốn tạo chuyển biến bền vững, phải đồng bộ các cơ chế để khuyến khích xã hội hóa. Hiện, các chính sách ưu đãi đối với giáo dục ngoài công lập còn hạn chế, thiếu sức hút, khiến nhiều địa phương thiếu cả trường công và ngoài công lập.
Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh. Tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng.
Mức ngân sách cần đảm bảo cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Trong đó, tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 theo các quy định hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng. Số ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8,2 nghìn tỷ đồng.
Thanh Bình