Xâm nhập mặn mùa khô năm nay tại miền Tây được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 15/CĐ-TTg (ngày 17/2/2025), về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hơn 900 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp vùng Bán đảo Cà Mau. Ảnh: Phương Bằng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết mùa khô, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3/2025. Tuy nhiên tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Chủ động ngăn mặn từ sớm
Thời gian này, nhiều nông dân tại miền Tây đang tập trung nạo vét kênh mương trong các vườn cây ăn trái, bơm nước vào dự trữ để phục vụ cho tưới tiêu vào mùa hạn-mặn. Tại Kiên Giang, theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nửa đầu tháng 2, xâm nhập mặn có xu hướng tăng mạnh. Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ đã lấn sâu
14 km tính từ cửa biển; trên sông Cái Lớn, mức xâm nhập đã vào sâu tới 36 km. Riêng kênh Cái Sắn, độ mặn 4‰ đã tới xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Tỉnh Kiên Giang đã đề nghị đơn vị vận hành các công trình thủy lợi như cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô vận hành linh hoạt nhằm kiểm soát hạn và trữ ngọt. Bên cạnh đó, để bảo vệ lúa Đông Xuân, tỉnh đã đầu tư gia cố và đắp mới 29 đập đất tại huyện An Biên, An Minh, đồng thời chủ động vận hành cống Vàm Bà Lịch trong các đợt triều cường tháng 1-2/2025. Cùng đó, chính quyền đẩy mạnh hướng dẫn nông dân kiểm soát mặn trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản.
Tại Trà Vinh, các vùng có nguy cơ nước mặn xâm nhập và khô hạn, gây thiếu nước ảnh hưởng nhiều đến sản xuất là Cầu Ngang, Trà Cú và một phần huyện Châu Thành, Tiểu Cần… Hiện Trà Vinh cơ bản đã có các hệ thống cống ngăn mặn ven Sông Hậu (Cần Chông, Rạch Rum, Bông Bót, Tân Dinh) và các tuyến kênh trục, kênh cấp I, cấp II được đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy, góp phần rất lớn trong việc trữ và tiếp ngọt vào trong nội đồng phục vụ sản xuất vụ lúa đông-xuân 2024-2025 cũng như đầu vụ lúa hè-thu năm 2025.
Song tại một số khu vực, vùng sản xuất gò, triền giồng, xa kênh trục và tiếp giáp biển việc tiếp ngọt còn hạn chế, sẽ xảy ra thiếu nước mang tính cục bộ tại từng thời điểm. Để thích nghi, tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo người dân chuyển đổi gần 850 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản; chuyển đổi mạnh hình thức nuôi thủy sản khác sang nuôi thâm canh và thâm canh mật độ cao, nâng diện tích đến nay (ước) khoảng 11.300 ha; tiếp tục duy trì nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, mô hình lúa-thủy sản ở các địa phương ven biển.
Với Cà Mau, là tỉnh ven biển duy nhất ở châu thổ Cửu Long không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các con sông lớn đầu nguồn nên chủ yếu phụ thuộc vào nước ngầm và nước mưa. Do đó, các huyện vùng ngọt hóa của tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn-mặn. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã ban hành phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai đối với vùng ngọt trên địa bàn. Đi cùng việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý, ngành chức năng tỉnh còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng chống hạn-mặn ở vùng ngọt theo nguyên tắc ưu tiên nước sinh hoạt, nước phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chuẩn bị các kịch bản
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, về tổng thể nguồn nước đến trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2024-2025 cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là một số huyện, thị xã thuộc các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền Nam, các địa phương ven biển cần chủ động giải pháp ứng phó phù hợp với điều kiện của vùng. Hiện việc tích nước ở các thủy điện trên lưu vực Mê Công cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Vận hành hợp lý các hồ này sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất trên đồng bằng trong năm; ngược lại, vận hành tích nước bất thường có thể gây ra các tác động bất lợi.
Mô hình kinh nghiệm “sống chung” với hạn-mặn của tỉnh Cà Mau rất đáng học tập. Nhiều hộ dân tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời thuê phương tiện cơ giới đào ao rồi lót bạt bên dưới để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngay từ đầu mùa mưa, nhờ đó qua được mùa hạn-mặn.
Ông Hùng khuyến nghị, nên xem xét khuyến nghị các nước thượng lưu Mê Công xả nước gia tăng từ nay đến giữa tháng 3/2025, góp phần giảm thiểu thiệt hại không đáng có ở điều kiện khí hậu thủy văn như năm nay. Mặt khác các địa phương cần chủ động xuống giống sớm nhằm né thời kỳ mặn cao nhất ở giai đoạn cuối tháng 2 đến tháng 4 và tích trữ nước hợp lý để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất đủ diện tích theo kế hoạch.
Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất các địa phương cần triển khai giải pháp như cách làm của Trà Vinh, khi Ủy ban nhân dân tỉnh này yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hai kịch bản rủi ro thiên tai xảy ra và giải pháp phòng chống, ứng phó theo từng kịch bản. Mỗi kịch bản đều có giải pháp phòng chống chi tiết để từng địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện. Mỗi giải pháp đáp ứng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ - chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ - để thực hiện hiệu quả.
Các địa phương cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ động dự trữ nước ngọt, bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí.
(Theo nhandan.vn)