Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình với Quốc hội xem xét để quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Theo ông Hưng, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định chính trị đất nước. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gia qua.
Hiện nay, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo các Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, với hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. Nội dung các nghị quyết này quy định hầu hết diện tích đất nông nghiệp đều được miễn thuế, trừ trường hợp đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý nhưng lại cho tổ chức hoặc cá nhân khác thầu để sản xuất nông nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách đến năm 2030 để đảm bảo sự nhất quán với các định hướng lớn trong các Nghị quyết số 54-NQ/TW (2019), Nghị quyết số 36-NQ/TW (2018) và các Nghị quyết số 18, 19, 20-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cải cách chính sách thuế, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tích tụ đất đai và chuyển đổi cơ cấu ngành.
Chính sách miễn thuế này còn mang lại nhiều kỳ vọng tích cực, như tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn; thúc đẩy phát triển nông thôn mới; đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết và thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Ông Hưng cho biết, qua đánh giá quá trình thực hiện chính sách này trong thời gian qua, sau khi miễn giảm thuế đất nông nghiệp, số thu khác từ đất nông nghiệp rất nhỏ, chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm trong các năm 2022 và 2023. Số thu này chủ yếu dùng để bù đắp chi phí quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước tính đến tháng 5/2023.
“Cần lưu ý rằng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không phải là chính sách mới mà đã được áp dụng từ lâu, do đó việc cho rằng chính sách này làm giảm thu ngân sách không hoàn toàn chính xác. Đề xuất kéo dài chính sách miễn, giảm thuế đến ngày 31/12/2030 dự kiến sẽ làm giảm khoảng 7.500 tỷ đồng thuế mỗi năm”, ông Nguyễn Thành Hưng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, qua đánh giá tại các địa phương, chính sách này không gặp vướng mắc lớn và được xem là phù hợp, cần thiết để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay có tình trạng tại một số địa phương có đất được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng bị bỏ hoang nhiều năm không sử dụng, gây lãng phí. Về vấn đề này, ông Hưng khẳng định, Nghị quyết không mở rộng phạm vi hay đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất, có một số trường hợp đất bị bỏ hoang, nhưng số lượng này rất nhỏ. Hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý chung, đồng thời các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cũng tham gia thực hiện.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, đối với đất nông nghiệp như đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản, nếu không được sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng; đất trồng cây lâu năm không sử dụng liên tục trong 18 tháng; đất trồng rừng không sử dụng liên tục trong 24 tháng và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn ghi trong quyết định xử phạt thì sẽ bị thu hồi.
Ngoài ra, Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 quy định khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ không bồi thường cho phần đất bị thu hồi. Đây là biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực tế, khái niệm đất bỏ hoang rất hiếm gặp và các trường hợp này không nhiều, đồng thời chưa có định nghĩa cụ thể về đất bỏ hoang trong pháp luật hiện hành.
“Như vậy, các quy định pháp luật hiện hành đã đủ chặt chẽ để kiểm soát việc sử dụng đất hiệu quả. Chính sách miễn thuế không bao hàm nghĩa "ưu đãi vô điều kiện" mà gắn chặt với yêu cầu sử dụng đúng mục đích. Còn hiện tượng đất bỏ hoang – nếu có – là rất hãn hữu và đã có cơ chế xử lý”, ông Hưng khẳng định.
Hải Đăng