Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 ngày 12.5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Miễn thuế tối đa 3 năm là ngắn
Khoản 4 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm.”.
Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (TP.Cần Thơ) cho rằng quy định thời gian miễn thuế như vậy là ngắn. Thời gian miễn thuế tối đa là 3 năm có thể không đủ để các DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp hoặc DN công nghệ cao đạt được lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Lý do là các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ
Hơn nữa, ông Nghĩa cho rằng dự thảo luật chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “sản phẩm công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam” hoặc “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc lạm dụng chính sách miễn thuế.
Ngoài ra, các DN nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, có thể không đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu chứng minh hoạt động nghiên cứu và phát triển, làm giảm tính tiếp cận của chính sách.
Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài hơn thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên, đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá và quy trình xác nhận để đảm bảo tính minh bạch và dễ áp dụng.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP.Hà Nội) cho rằng thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là chưa đủ, chưa đảm bảo khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ; do vậy cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế, có thể kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm.
Linh hoạt hơn về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Tại khoản 1 Dự thảo Luật quy định DN được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; khoản 2 quy định: “Trong thời hạn 5 năm, kể từ khi trích lập, nếu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì DN, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập DN tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập DN đó...”.
Như vậy, nếu quỹ không được sử dụng hết 70% trong 5 năm hoặc sử dụng sai mục đích, DN phải nộp lại thuế và lãi.
Theo một số đại biểu, yêu cầu sử dụng tối thiểu 70% quỹ trong 5 năm có thể không phù hợp với các dự án nghiên cứu và phát triển dài hạn, vốn cần thời gian để triển khai và đánh giá kết quả. Điều này có thể khiến DN ngần ngại trích lập quỹ.
Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nới lỏng yêu cầu sử dụng quỹ, đồng thời xem xét miễn hoặc giảm lãi phạt trong trường hợp DN chứng minh được khó khăn khách quan.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị việc trích phần trăm thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần linh hoạt hơn. Quy định “tối đa 10%” là chưa phù hợp với thực tế đối với từng loại DN, từng ngành nghề hoạt động.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Theo đó, cần quy định cho phép các DN công nghệ cao, DN khởi nghiệp được trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là 15% thu nhập tính thuế hàng năm, nhằm khuyến khích các DN này đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Đại biểu cho rằng có nhiều dự án nghiên cứu khoa học đến 10 năm hoặc 15 năm vẫn chưa thành công, ví dụ nghiên cứu, phát triển một số loại thuốc trong ngành y hoặc một số lĩnh vực về phần mềm máy tính... Vì thế, cần quy định cho phép chuyển đổi quỹ chưa sử dụng hết vào những năm sau và không bị truy thu thuế, nộp vào ngân sách nhà nước.
Song song đó, dự thảo luật cũng cần quy định cơ chế giám sát việc sử dụng quỹ một cách chặt chẽ, phòng chống các trường hợp lạm dụng quỹ để sử dụng trái nguyên tắc hoặc tham nhũng, lãng phí.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện xác định DN có lỗ làm cơ sở để trừ vào thu nhập tính thuế, đảm bảo khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật, tránh bị lợi dụng để trốn thuế, trục lợi. Thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp DN cố tình báo lỗ để trốn thuế nhưng việc phát hiện, xử lý rất khó khăn và không kịp thời.
Có ý kiến cho rằng, quy định thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ, thực tế đối với DN được hưởng thuế suất 15% hay 17% tùy vào doanh thu từ 3 tỉ đến không quá 50 tỉ là chưa phù hợp với thực tế.
Để tránh tình trạng DN sử dụng các thủ đoạn cố tình làm cho DN bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế, nên điều chỉnh thời gian chuyển lỗ phù hợp. Có như vậy, việc quy định về chuyển lỗ mới thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ các DN.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cũng đề nghị đối với DN công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cần tăng thời gian chuyển lỗ. Tuy nhiên, tăng thời gian bao nhiêu, như thế nào, cần có nguyên tắc trong luật, sau đó Chính phủ quy định chi tiết tùy giai đoạn cụ thể.
Lam Thanh