Thử nghiệm có kiểm soát
Sinh viên Đại học Đà Nẵng nghiên cứu khoa học. Ảnh: N.M
Cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo
Điều 25 Luật Thủ đô 2024 quy định về thử nghiệm có kiểm soát. Cụ thể, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp.
Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác. Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm. Việc thử nghiệm có kiểm soát được thực hiện dưới hình thức cho phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cho phép có thời hạn và không áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp.
Tổ chức, DN được cho phép thử nghiệm có kiểm soát khi đáp ứng các điều kiện sau đây: công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn TP, ưu tiên đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của TP. Công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô; không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, biến đổi, chỉnh sửa gen người; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Tổ chức, DN đề xuất thử nghiệm có phương án thử nghiệm, trong đó có đánh giá về các lợi ích và rủi ro đối với bên tham gia thử nghiệm, người dùng, các bên liên quan khác, đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính cạnh tranh của thị trường; cam kết trách nhiệm đối với sự an toàn của người dùng và bên có liên quan; các biện pháp kiểm soát rủi ro; cơ chế giải quyết khiếu nại của người dùng; phạm vi và các biện pháp bồi thường thiệt hại; đồng thời phải cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh năng lực phù hợp với phương án thử nghiệm đã đề xuất. Phạm vi giới hạn thử nghiệm được đề xuất phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền TP.
Loại trừ trách nhiệm hình sự khi tuân thủ đúng và đầy đủ quy định
Cũng theo Điều 25 Luật Thủ đô 2024, việc cho phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đề xuất, đăng ký, tham gia và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong quá trình thử nghiệm. Bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thử nghiệm; người dùng phải được thông tin đầy đủ về tình trạng thử nghiệm, các rủi ro có thể phát sinh và các biện pháp bồi thường thiệt hại nếu có; có cơ chế tiếp nhận, đánh giá và xử lý công khai, kịp thời ý kiến phản hồi của tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm và người dùng trong quá trình thử nghiệm. Bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi của người dùng, lợi ích của xã hội trong quá trình thử nghiệm.
Đáng quan tâm, tổ chức, DN thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Tổ chức, DN thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được phép không áp dụng một số quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, về điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp phép, bảo đảm điều kiện kinh doanh và các quy định khác không phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm.
HĐND TP quyết định phạm vi miễn áp dụng các quy định của pháp luật đối với từng dự án thử nghiệm cụ thể phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm theo đề nghị của UBND TP trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát.
Tham vấn ý kiến chuyên gia, DN
Sở Khoa học và Công nghệ được UBND TP giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị như Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Ban quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội và các đơn vị có liên quan soạn thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định hoạt động thử nghiệm có kiểm soát tại thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 9 Điều 25 Luật Thủ đô 2024). Dự kiến, Nghị quyết sẽ được trình HĐND thành phố vào kỳ họp tháng 7/2025.
Để triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, DN về một số cơ chế chính sách thi hành Luật Thủ đô 2024. Nhiều chuyên gia, DN đã đóng góp những ý kiến, trao đổi, thảo luận nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần hiện thực hóa chủ trương đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, phục vụ phát triển bền vững Thủ đô trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu một số dự án đã đăng ký thử nghiệm có kiểm soát trên địa bàn TP, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: đô thị thông minh: với các giải pháp về giao thông, dữ liệu số, quản lý đô thị…; công nghệ trong y tế: mô hình chăm sóc y tế kết hợp công nghệ số, AI, thiết bị cá nhân…; công nghệ giáo dục: ứng dụng công nghệ trong dạy và học, cá nhân hóa chương trình…; Môi trường: giải pháp quản lý rác thải, năng lượng tái tạo, đô thị xanh…
Các chuyên gia, nhà khoa học và DN cũng đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết đang được Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, chủ trì xây dựng là dự thảo quy định về hoạt động thử nghiệm có kiểm soát trên địa bàn thành phố Hà Nội – nhằm xác định rõ quy trình, điều kiện và phạm vi thử nghiệm, chính sách hỗ trợ trong thử nghiệm…
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành công của mô hình thử nghiệm có kiểm soát và cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm không chỉ phụ thuộc vào chính sách, mà còn vào sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và cơ quan quản lý. Những ý kiến quý báu của các chuyên gia, DN sẽ giúp TP hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, từ đó mở đường cho những sáng kiến đột phá, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra những giải pháp đặc thù nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Luật Thủ đô 2024 không chỉ hướng tới việc phát triển khoa học công nghệ mà còn truyền cảm hứng cho khởi nghiệp sáng tạo. Các DN khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ được hỗ trợ chi phí ươm tạo, tuyển chọn dự án, và thuê chuyên gia. Điều này không chỉ khuyến khích doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Hà Nội - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ.
Thu Trang