Ngày 18/11, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam, cho biết, để chủ động ứng phó với bão Manyi (bão số 9) và gió mùa Đông Bắc có khả năng gây mưa lớn cục bộ, Ban đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các phương án ứng phó rủi ro thiên tai trên từng địa bàn đã được phê duyệt, căn cứ diễn biến của bão, áp thấp và các hình thái thiên tai khác có thể xảy ra để chủ động triển khai. Bên cạnh đó, tổ chức thông tin, hướng dẫn kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng chống rét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra do tác động của không khí lạnh, mưa lớn.
Tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam về bờ neo đậu, tránh trú bão Ảnh: Hoài Văn
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Ngoài ra, tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm chiều qua có 117 tàu (821 lao động) đang hoạt động trên biển. Trong đó, số tàu hoạt động tại vùng lộng là 105 phương tiện/286 lao động; khu vực phía đông nam quần đảo Hoàng Sa có 12 tàu/553 lao động.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam ban hành phương án ứng phó với thiên tai theo nhiều cấp độ. Theo đó, ứng phó với bão sẽ di dời khoảng 200.000 dân khỏi vùng nguy hiểm; cấp siêu bão di dời gần 400.000 dân; nâng cao tinh thần 4 tại chỗ khi triển khai các biện pháp ứng phó.
Tình huống sạt lở số người phải thực hiện di dời, sơ tán khoảng 17.000 người dưới 2 hình thức xen ghép hoặc tập trung. Ngoài ra, địa phương lên phương án dự trữ hàng nghìn tấn lương thực thực phẩm, nước uống, thuốc, vật tư y tế, và nhiên liệu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, người đứng đầu các sở ban ngành và địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, ai lơ là nhiệm vụ sẽ xử lý trách nhiệm.
Nhiều tàu cá Quảng Ngãi tìm cách tránh bão tại Hoàng Sa
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, đến chiều ngày 18/11, tỉnh có 44 tàu cá với 496 ngư dân đang thả neo và tìm cách chạy tránh bão từ quần đảo Hoàng Sa.
Trên màn hình giám sát hành trình qua hệ thống định vị VMS, hiện có một số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động tại các đảo Đá Lồi, Bạch Quy, bãi Quảng Nghĩa, Quang Ảnh, Hữu Nhật thuộc quần đảo Hoàng Sa. Có một số tàu cá đi thành cặp đôi để hỗ trợ nhau trên đường chạy tránh trú bão. Có một số tàu vẫn đang hoạt động bình thường tại quần đảo Hoàng Sa do nằm ngoài vùng ảnh hưởng của bão.
Tỉnh Quảng Ngãi có 6.237 tàu cá/37.753 ngư dân, trong đó số tàu còn hoạt động trên biển là 363 tàu/2.968 ngư dân.
Hiện Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phối hợp với nhiều đài canh cộng đồng tổ chức trực các đài canh cứu nạn 24/24, kết nối thường xuyên với các tàu cá còn trên biển, thông báo tình hình bão và kêu gọi bà con tranh thủ tránh trú bão.
Ngày mai, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do gặp các điều kiện không thuận lợi như mặt biển lạnh, tương tác với không khí lạnh khô nên bão Manyi sẽ nhanh chóng suy yếu.
Dự báo ngày mai (20/11), bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến gần về phía quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó, áp thấp nhiệt đới hướng về vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ của nước ta và suy yếu thành vùng áp thấp vào ngày 21/11.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, dù ít khả năng đổ bộ đất liền nước ta nhưng tàn dư từ bão Manyi kết hợp với không khí lạnh tăng cường có thể gây ra một đợt mưa lớn kéo dài cho các tỉnh miền Trung trong khoảng thời gian từ 21-26/11.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão Manyi, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
NGUYỄN HOÀI
Hoài Văn - Văn Chương