Theo báo cáo nhanh, lực lượng chức năng đã sơ tán hơn 800 người ra khỏi khu vực thấp trũng. Tại bán đảo Sơn Trà xảy ra sạt lở nhiều nơi khiến nước và đá đổ tràn xuống đường, chính quyền địa phương phải tổ chức chốt chặn tại 3 vị trí để tránh nguy hiểm.
Tỉnh Quảng Nam cũng có mưa lớn kéo dài khiến một số khu vực ở Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Nông Sơn bị ngập cục bộ. Vào một số thời điểm, các tuyến đường nội thị tại huyện Thăng Bình, TP Tam Kỳ bị ngập, ảnh hưởng việc lưu thông. Mưa lớn gây nguy cơ lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi; sạt lở đất, đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ... Nhà máy Thủy điện Đak Mi 3 bắt đầu xả tràn từ 18 giờ ngày 5-11, lưu lượng xả 10-1.000 m3/giây.
Nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng bị ngập cục bộ vào sáng 5-11. Ảnh: BÍCH VÂN
Mưa lớn tại tỉnh Quảng Bình gây ngập lụt và chia cắt nhiều tuyến đường, làng mạc ở các xã Lâm Hóa, Sơn Hóa, Văn Hóa, Thuận Hóa... của huyện Tuyên Hóa, khiến hàng ngàn hộ dân bị cô lập. Tại huyện Minh Hóa, chính quyền khẩn cấp di dời 38 hộ dân với hơn 140 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại Bạc Liêu cùng ngày có mưa lớn kết hợp triều cường làm 571 ha lúa (giai đoạn mạ), 1.875 ha rau màu… bị ngập. Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng làm một số ao cá của người dân bị ngập, gây thất thoát hơn 100 triệu đồng.
B.Vân - Tr.Thường - H.Phúc - V.Du