Miễn viện phí: hiện thực hóa chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân

Miễn viện phí: hiện thực hóa chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân
6 giờ trướcBài gốc
Nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt
Mới đây, chủ trương miễn viện phí toàn dân do Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội. Theo các bác sĩ, chuyên gia y tế, chính sách miễn viện phí toàn dân là cơ hội để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Việc triển khai chính sách này cần một lộ trình rõ ràng, đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn tài chính.
Bàn luận về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai nêu rõ, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rõ lộ trình, ưu tiên trước cho người nghèo, có công, trẻ em, người cao tuổi, sau đó tiến tới khám sức khỏe định kỳ và miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035. Riêng khám sức khỏe định kỳ hằng năm có thể triển khai từ năm 2026.
Để thực hiện mục tiêu miễn viện phí toàn dân, cần sự chung tay của toàn xã hội, không chỉ riêng ngành y tế. Nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt tiến tới thực hiện miễn viện phí cho người dân với 3 trụ cột chính là bảo hiểm y tế (BHYT), ngân sách Nhà nước và xã hội hóa.
Trong đó, BHYT là công cụ then chốt giúp hiện thực hóa chính sách chăm sóc sức khỏe công bằng và bền vững. Việt Nam cần tiến tới BHYT toàn dân, không chỉ ở phạm vi bao phủ mà còn ở tính toàn diện trong quyền lợi và đa dạng hình thức tham gia. Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ là cơ sở để đảm bảo y tế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng như đầu tư cho các lĩnh vực y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân.
Còn nguồn lực xã hội hóa đòi hỏi cơ chế huy động hiệu quả từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Những bài học thành công từ các quốc gia phát triển cho thấy, vai trò quan trọng của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các quỹ an sinh trong việc duy trì, phát triển BV phi lợi nhuận. Muốn làm được điều này, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần xã hội chung tay chăm sóc sức khỏe người dân. “Nếu huy động hiệu quả cả 3 nguồn lực, kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự quyết tâm của toàn xã hội, miễn viện phí toàn dân hoàn toàn khả thi trong tương lai gần” - Giám đốc BV Bạch Mai nhấn mạnh.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng cho biết, hiện BV Bạch Mai đang triển khai lộ trình thực hiện chủ trương khám, chữa bệnh (KCB) miễn phí với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là BV tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các ca bệnh nặng, khó, hiếm gặp theo đúng vai trò tuyến cuối, không từ chối bất kỳ trường hợp nào. BV phát triển trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao năng lực toàn ngành. Cùng đó, BV đẩy mạnh nghiên cứu y học chuyên sâu, từ ứng dụng tiến bộ quốc tế đến phát minh phương pháp chẩn đoán, điều trị và thuốc mới.
“Khi y tế cơ sở mạnh, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, phòng bệnh tốt. Nhiều bệnh lý được giải quyết ngay tại tuyến dưới, giảm đáng kể chi phí và gánh nặng cho cả người dân và hệ thống y tế” - PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
Miễn viện phí phải đi kèm chất lượng khám chữa bệnh
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, miễn viện phí cho toàn dân là một chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.Việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% dân số được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Với chi phí khoảng 250.000 đồng/lần khám, ngân sách cần khoảng 25.000 tỉ đồng/năm để phục vụ 100 triệu người dân. Bộ Y tế cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thí điểm nhiều chính sách mới: mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản lên 20-30% mức lương cơ sở (hiện là 15%), tăng mức hưởng BHYT lên 100% cho nhóm đang hưởng 95%, và có lộ trình nâng mức hưởng cho nhóm đang ở mức 80%. Từ năm 2030-2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật BHYT, tiến tới hoàn thiện chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2024, 94,29% người dân đã có thẻ BHYT. Năm 2025 phấn đấu khoảng 95% người dân có BHYT. Cả nước, có khoảng hơn 95,5 triệu người dân đã có thẻ BHYT, chỉ còn 6 triệu người nằm trong “khoảng trống”. Cơ quan BHXH cũng đã ký hợp đồng tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) công lập và ngoài công lập, khoảng 13 nghìn cơ sở KCB (bao gồm cả Trạm Y tế xã) để người dân có thể tiếp cận KCB. Năm 2024, cũng đã có 183,6 triệu lượt người đi KCB. Chi phí bình quân/lần khám là 357 nghìn đồng và điều trị nội trú là 5,5 triệu đồng/lượt.
“Để đạt được mục tiêu miễn viện phí phải dựa vào 3 nguồn lực chính. Đó là thông qua Quỹ BHYT; Ngân sách nhà nước (T.Ư và địa phương); huy động xã hội hóa, tuy nhiên, đi kèm 3 nguồn lực này đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ; phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng quỹ BHYT, nhất là chỉ định sử dụng dịch vụ y tế (không lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết” - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, muốn đạt mục tiêu cần có lộ trình, kế hoạch thực hiện, trong đó phải đẩy nhanh mục tiêu BHYT toàn dân, nghĩa là 100% người dân có thẻ; tăng cường hỗ trợ đóng cho người dân, nhất là người khó khăn, dân tộc thiểu số; cần thiết phải nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT, chỉ để một phần nhỏ còn lại để người dân mua đi kèm trách nhiệm cá nhân.
Cùng đó, Bộ Y tế cần ban hành gói chăm sóc y tế cơ bản. Đây là dịch vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe cho người dân theo quy định của Luật BHYT mà đến nay chưa có. Bên cạnh việc hoàn chỉnh công khai minh bạch, đầy đủ phác đồ hướng dẫn điều trị chuẩn ngành y tế cần rà soát tổng thể quy hoạch hệ thống KCB từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đến nhân lực; sắp xếp lại phù hợp để người dân dễ tiếp cận và có chất lượng KCB tốt ngay từ cấp ban đầu (Trạm Y tế xã). Ngoài ra, nhân lực y tế phải được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao và đáp ứng đủ cho các cơ sở.
“Chủ trương miễn viện phí rất nhân văn, nhưng đi kèm là chất lượng KCB phải được nâng lên, bảo đảm, chứ không phải miễn viện phí như làm từ thiện. Muốn vậy, ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ thêm quỹ BHYT; chú trọng kiểm tra, giám sát để cân đối quỹ; có cơ chế quản lý giám sát phân bổ chặt chẽ, để tránh thất thoát, lạm dụng dịch vụ; cần thiết phải xây dựng hệ số mã hóa sức khỏe Nhân dân, dữ liệu y tế điện tử bảo đảm vận hành minh bạch, theo Đề án 06 của Chính phủ” - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ.
Mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ được tổ chức thực hiện hiệu quả. Tất cả đều là những bước tiến hướng tới công bằng, mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội. Các chủ trương này đã khẳng định mục tiêu bảo đảm các nhu cầu thiết yếu nhất của Nhân dân được học hành, làm việc, khi ốm đau được chữa bệnh. Đây cũng là nền tảng phúc lợi để người dân, đặc biệt là những người yếu thế, được sống tốt hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Quốc hội Khóa XV Nguyễn Đắc Vinh
Thanh Bình
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/mien-vien-phi-hien-thuc-hoa-chinh-sach-cham-soc-suc-khoe-toan-dan.706908.html