Cần thêm các cơ chế đảm bảo nguồn lực
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, TS.BS Trần Khánh Thu (ĐBQH đoàn Thái Bình) cho rằng, định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết "không ai bị bỏ lại phía sau" mà Việt Nam theo đuổi. Đồng thời thể hiện tinh thần của một Nhà nước vì dân, coi người dân là trung tâm, lấy chất lượng cuộc sống của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Yến Chi.
Nữ đại biểu cho biết, viện phí có đặc thù khác nhau ở từng đối tượng, từng căn bệnh điều trị. Có bệnh người dân chỉ cần vài trăm nghìn đồng để khám, chữa nhưng cũng có người phải chi trả đến hàng trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng để điều trị các bệnh nặng, ung thư.
"Xu hướng dân số già hóa, bệnh mãn tính tăng; cùng tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe dẫn đến chi phí y tế tại Việt Nam đang tăng nhanh theo từng năm.
Hiện nay, các bệnh viện công lập hoạt động tự chủ tài chính, nguồn thu chủ yếu từ giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong khi đội ngũ y bác sĩ cũng chỉ hưởng lương như người lao động thông thường" bà Thu chia sẻ.
Theo bà, triển khai chính sách miễn viện phí, đồng nghĩa với việc sẽ cần thêm các cơ chế đảm bảo nguồn lực, giữ chân nhân lực chất lượng cao và đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị.
Trong khi đó nguồn lực ngân sách còn hạn chế so với các quốc gia phát triển, tỉ lệ thu thuế/GDP còn thấp, tình trạng chênh lệch vùng miền, vấn đề quá tải ở tuyến trên, chất lượng y tế chưa đồng đều, hay tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế ở một số nơi vẫn xảy ra.
"Với bối cảnh này, để hiện thực hóa chính sách miễn viện phí là khó khăn, đòi hỏi nguồn lực lớn và cần có lộ trình rõ ràng", đại biểu nhìn nhận.
Tuy nhiên, bà Thu cũng cho rằng, Việt Nam đã có những kinh nghiệm trong triển khai chính sách bảo hiểm y tế toàn dân với độ bao phủ đạt hơn 92%; đối tượng miễn/giảm viện phí đã mở rộng hơn thời gian qua cùng kinh nghiệm quản lý các chương trình y tế quy mô lớn như tiêm chủng phòng chống dịch bệnh… Đó chính là tiền đề từng bước tiến tới miễn viện phí hoàn toàn.
Để hiện thực hóa chính sách trên, nữ đại biểu cho rằng, một mặt cần chuẩn bị nguồn tài chính (ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hóa, viện trợ quốc tế), trước mắt tập trung thực hiện đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Tiến tới đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm, tiếp tục mở rộng diện miễn, giảm phí cho nhóm yếu thế (người nghèo, vùng khó khăn, trẻ em, người già, bệnh hiểm nghèo); tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tiếp cận các kỹ thuật điều trị cần thiết.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách miễn/giảm viện phí thường xuyên, học hỏi mô hình thành công từ các nước trên thế giới để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
"Triển khai chính sách miễn viện phí toàn dân có thách thức, tuy nhiên, khi thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn, giải quyết gánh nặng kinh tế trong điều trị bệnh cho người dân, xã hội, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Chỉ khi mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe một cách công bằng và hiệu quả, chúng ta mới thực sự tiến gần hơn đến một Việt Nam khỏe mạnh và phát triển bền vững", đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.
Phát triển y tế tuyến cơ sở, giảm gánh nặng ngân sách
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), hơn 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế là một trong những thành tựu về y tế, là nền tảng quan trọng để tiến tới miễn viện phí toàn dân.
Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân thuộc hộ nghèo được miễn 100%, các đối tượng còn lại dao động từ 80 – 90%. Như vậy, khi thực hiện miễn viện phí toàn dân, phạm vi mở rộng đối tượng không nhiều.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Media Quốc hội.
Với lộ trình thực hiện miễn viện phí toàn dân trong giai đoạn 2030 - 2035, bà Nga cho biết, còn tối đa 10 năm để chuẩn bị. Do đó, cần đánh giá kỹ tác động của chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là làm thế nào để tăng năng suất lao động, tăng thu ngân sách, tăng GDP hàng năm để có nguồn lực thực hiện.
Mặt khác, cần chú trọng phát triển y tế tuyến cơ sở. Theo bà, hiện nay, y tế tuyến cơ sở còn nhiều bất cập, không chỉ thiếu nhân lực, thiết bị y tế mà nhân lực ở khu vực này cũng yếu. Chính vì vậy, chỉ có những bệnh nhẹ người dân mới đến trạm y tế xã, phường; còn lại đều muốn lên tuyến trên, thậm chí tuyến Trung ương để điều trị.
Từ đó, bà cho rằng cần có chính sách thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi về tuyến cơ sở, không chỉ giảm tải cho tuyến trên mà còn giúp giảm chi phí cho người bệnh bởi đây là tuyến gần dân nhất.
Nếu y tế tuyến cơ sở không phát triển, không đáp ứng được, người bệnh phải lên tuyến trên điều trị thì dù miễn viện phí, áp lực kinh tế vẫn cao do phải di chuyển xa. Thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do không được kịp thời điều trị.
Đồng thời còn làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế của tuyến trên khi quá tải nhân lực, quá tải cơ sở vật chất. "Cứ 4, 5 bệnh nhân một giường thì chất lượng dịch vụ không thể tốt được", bà Nga nói.
Một vấn đề khác là những chính sách ưu đãi đối với các cơ sở y tế ngoài công lập, bởi các cơ sở này, đặc biệt các cơ sở chất lượng cao đang hỗ trợ rất lớn trong việc san sẻ gánh nặng cho các cơ sở y tế công lập.
Đây sẽ là cơ sở y tế được nhiều người dân có điều kiện, quan tâm đến chất lượng dịch vụ hướng tới, nhờ đó giảm áp lực cho cơ sở y tế công lập, để người ít có điều kiện kinh tế hơn được tiếp cận cơ sở y tế công lập thuận lợi hơn.
Song song đó, cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện lối sống lành mạnh. Bà cho rằng, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân vẫn quan tâm đến chữa bệnh hơn phòng bệnh.
Theo số liệu của Bộ Y tế về gánh nặng cơ cấu bệnh tật của Việt Nam hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước, trong đó, các bệnh không truyền nhiễm (sinh ra do lối sống thiếu lành mạnh như bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, béo phì, thừa cân) chiếm phần lớn tỷ trọng, đến hơn 70%.
"Nếu duy trì được lối sống lành mạnh, chú trọng phát triển y tế dự phòng, đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật, giảm tải cho các cơ sở y tế, đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho ngân sách nếu miễn viện phí toàn dân", bà Nga nhìn nhận.
ĐBQH Trần Khánh Thu cho biết, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện miễn viện phí cho người dân dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đơn cử, tại các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy), chính phủ tài trợ gần như toàn bộ chi phí y tế từ ngân sách; bệnh viện công lập miễn phí hoặc thu phí rất thấp với tất cả người dân.
Hay tại Cuba hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí; tập trung dự phòng, chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu cho người dân.
Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc dù không miễn hoàn toàn viện phí nhưng bao phủ bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, hỗ trợ tối đa cho người già, trẻ em, người nghèo.
Quốc gia láng giềng với Việt Nam là Thái Lan cũng triển khai chương trình "30 baht", đại đa số người dân khi đi khám chỉ cần trả 30 baht/lần, phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả. Hệ thống y tế tuyến cơ sở của nước này cũng được phát triển mạnh để giảm quá tải bệnh viện lớn.
Yến Chi
Trang Trần