Minh bạch, công khai quy hoạch, dự án đất GD để tránh chuyển nhượng lòng vòng

Minh bạch, công khai quy hoạch, dự án đất GD để tránh chuyển nhượng lòng vòng
5 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết đề cập đến hiện trạng đất dự án giáo dục tại quận Nam Từ Liêm. Theo đó, các bài viết nêu lên vấn đề tại một số khu đất dự án giáo dục bị bỏ hoang lâu năm nhưng đến nay vẫn nằm "bất động". Bên cạnh đó, cũng có những khu đất được quy hoạch xây dựng trường học nhưng hiện tại đang được rao bán vì nhiều năm không triển khai.
Đáng nói, khi chia sẻ với Tạp chí, nhiều nhà đầu tư giáo dục cho rằng, họ đang "mỏi mắt" đi tìm các dự án đất giáo dục để mở lớp, xây dựng trường, nhưng vì không có kênh thông tin chính thống để tham khảo nên rất khó để tiếp cận các dự án này. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về việc thực hiện minh bạch các dự án đất giáo dục, đặc biệt là công khai thông tin đất giáo dục tại các địa phương hiện nay đang được thực hiện ra sao?
Khó tiếp cận quỹ đất dự án, nhà đầu tư chán nản khi tìm đất mở trường
Chia sẻ một số quan điểm liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị IQ School cho rằng, đa số các nhà đầu tư giáo dục hiện nay đều phải đi mua lại các dự án đất giáo dục. Hầu như việc tiếp cận và nắm thông tin đất dự án từ website chính thống của các địa phương là không có.
Thầy Hùng cho biết thêm: "Các cơ sở trường học được chúng tôi mở ra lâu nay hầu hết là trên các khu đất dự án được mua lại. Trên thực tế, các thông tin đấu thầu về các dự án giáo dục chúng tôi cũng rất khó để nắm bắt vì các thông tin nó không mang tính đại chúng, rõ ràng".
Theo quan điểm của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị IQ School, khi triển khai một dự án giáo dục thì có 2 trở ngại lớn mà các nhà đầu tư phải đối diện. Thứ nhất là về việc tiếp cận quỹ đất, thứ hai là trở ngại về thủ tục đầu tư.
Thầy Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị IQ School. Ảnh: NVCC
"Khi muốn đầu tư xây dựng một trường học thì buộc nhà đầu tư phải tuân theo các quy định được khống chế bởi Luật Đầu tư, các văn bản Luật trong lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục... Nó có nhiều quy định mình cần phải tuân thủ và chấp hành.
Là những nhà đầu tư giáo dục nên chúng tôi rất muốn sẽ phát triển hệ thống, mở được nhiều trường học hơn nhưng khi thấy có quá nhiều trở ngại như vậy không khỏi khiến nhà đầu tư chán nản.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để khuyến khích xã hội hóa. Tuy nhiên trong vấn đề về minh bạch dự án đất giáo dục hay cơ chế chính sách đối với lĩnh vực đầu tư giáo dục nằm rải rác ở rất nhiều văn bản bản quy phạm pháp luật. Điều này khiến các nhà đầu tư ngại mở rộng cơ sở của mình dù tiềm lực của họ luôn sẵn sàng", thầy Hùng nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Hệ thống IQ School, chính vì những trở ngại đó nên lựa chọn tốt nhất với các nhà đầu tư giáo dục là chấp nhận mua lại các khu đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích giáo dục từ các chủ đầu tư bất động sản, các khu đô thị để đảm bảo an tâm về nguồn gốc đất. Bởi lẽ, việc để sở hữu khu đất quy hoạch xây dựng trường học thông qua việc đấu thầu công khai từ chính quyền địa phương là chưa nhiều.
Nêu lên một số góp ý để cải thiện điều kiện cho các nhà đầu tư giáo dục dễ dàng hơn trong việc tiếp cận dự án đất giáo dục, thầy Hùng cho rằng: "Trước hết chính quyền địa phương cần công công bố rộng rãi thông tin quy hoạch về đất giáo dục.
Trong trường hợp nếu chưa có thông tin quy hoạch nhưng nhà đầu tư họ mua gom được các mảnh đất từ người dân, đủ điện tích để xây dựng trường học thì cơ quan quản lý cũng nên tạo điều kiện khi điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư.
Còn với các dự án mua bán thông qua đấu thầu thì cần được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc ưu tiên có thư ngỏ đến các nhà đầu tư giáo dục. Trên hết cần phải tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về pháp lý và thủ tục hành chính để các nhà đầu tư luôn sẵn sàng để có thể tham gia các dự án mà địa phương có quy hoạch".
Công khai, minh bạch dự án đất giáo dục ở đâu?
Cùng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ triển khai các dự án đất giáo dục, thậm chí còn dẫn tới tình trạng chuyển nhượng lòng vòng, gây lãng phí nguồn lực và không gian quy hoạch.
"Khi các thông tin về quỹ đất giáo dục chưa được công khai rõ ràng, nhất quán trên các kênh chính thống, nhà đầu tư thực sự có năng lực khó nắm bắt. Nhu cầu xây trường ở khu vực nội thành Hà Nội là cấp bách, đặc biệt khi dân số tăng, khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng.
Nếu dự án bị chậm, hoặc chuyển nhượng nhiều lần, việc triển khai trường học không đúng tiến độ sẽ kéo theo tình trạng quá tải trường công lập, ảnh hưởng tới học sinh và phụ huynh.
Vì thế, việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin các dự án xây dựng trường học tại các địa phương của Hà Nội, đặc biệt là tại khu vực nội thành, là một bước đi cần thiết, đúng hướng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về mặt quản lý nhà nước lẫn quyền lợi của người dân. Việc này giúp tăng cường sự giám sát của người dân và xã hội, góp phần quy hoạch giáo dục hiệu quả, thu hút đầu tư và đối tác xã hội hóa.
Việc các địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở (xã, phường) chủ động bổ sung hệ thống để đăng tải công khai vị trí các quỹ đất quy hoạch cho giáo dục trên các trang thông tin điện tử chính thống là một bước đi cần thiết, hợp lý và mang lại nhiều lợi ích lâu dài.
Việc này giúp đáp ứng yêu cầu về minh bạch hóa thông tin công. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực, giảm thiểu tình trạng "găm đất", chuyển nhượng lòng vòng", Tiến sĩ Phạm Kim Thư cho biết thêm.
Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế. Ảnh: NVCC
Còn theo quan điểm của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, có thể lâu nay do hệ thống máy móc, phương tiện phục vụ cho việc công khai, minh bạch các dự án đất giáo dục tại một số địa phương chưa được nâng cấp nên các thông tin quy hoạch, đấu thầu chưa đảm bảo minh bạch.
"Có thể nói, hiện nay cả nước và các khu đô thị lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển biến mới liên quan đến chính sách đất đai. Trong đó, nhiều địa phương cũng đã có sự phân loại và quy hoạch rõ ràng với đất dự án dành cho giáo dục.
Trong thủ tục về hành chính công cũng đã phân rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý. Vì thế, cách làm của mỗi nơi sẽ khác nhau để các nhà đầu tư giáo dục có thể tiếp cận được thông tin quy hoạch đất dự án giáo dục.
Tuy nhiên có thể hiện nay các cơ quan đang trong thời gian "quá độ" để áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ lĩnh vực hành chính. Từ đó, có thể có cơ quan hành chính họ chưa kịp thời trong việc công bố công khai, minh bạch về thông tin quy hoạch đất dự án giáo dục. Điều này là một trong những khó khăn để nhà đầu tư giáo dục có thể tiếp cận nguồn đất "sạch" để có thể xây trường mở lớp.
Hy vọng, sau khi thực hiện việc sáp nhập và áp dụng chính quyền 2 cấp thì các địa phương cũng có những phương án để có thể thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch các dự án đất giáo dục", Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Báo Đại đoàn kết
Cũng theo chia sẻ của nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, một phần gây ra sự chậm trễ triển khai các dự án giáo dục đã được phê duyệt chính là sự yếu kém, thiếu sót trong công tác kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan quản lý.
Vì thế, để không "đẻ" thêm một dự án nào bị chậm tiến độ hoặc bị treo nhiều năm không triển khai, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng sự vào cuộc để kiểm tra, thanh tra liên tục của chính quyền địa phương là thực sự cần thiết. Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ hy vọng rằng, sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cấp cơ sở được trao nhiều quyền hơn thì những thực trạng như hiện nay sẽ dần chấm dứt.
"Cùng với đó, nên cải thiện chính sách ưu đãi cho lĩnh vực đầu tư giáo dục để những nhà đầu tư có năng lực vừa dễ dàng tiếp cận dự án vừa có thể nhanh chóng thực hiện các dự án xây dựng trường học đã được phê duyệt.
Đồng thời, khi cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra thấy những nhà đầu tư nào kém năng lực, dẫn đến tình trạng bàn giao đất nhiều năm mà không triển khai thì cũng nên có phương án xử lý thích hợp. Thậm chí có thể thu hồi phần diện tích đất đó để bàn giao cho nhà đầu tư khác có năng lực. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng chậm tiến độ trong khi nhiều nơi vẫn thiếu trường, lớp cho học sinh", Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Trung Dũng
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/minh-bach-cong-khai-quy-hoach-du-an-dat-gd-de-tranh-chuyen-nhuong-long-vong-post251516.gd