Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Giá nhà bất hợp lý, cơ chế kiểm soát giá thiếu hiệu quả
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Giá bán, thuê nhà ở xã hội là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập tại Phiên thảo luận.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), cho biết qua giám sát nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay cho thấy giá bán và giá thuê nhà ở xã hội chưa thực sự hợp lý, nếu không muốn nói là bất hợp lý. Mặc dù pháp luật quy định không tính tiền sử dụng đất vào giá bán nhà ở xã hội nhưng trên thực tế giá bán vẫn cao, không phù hợp với thu nhập của nhiều người lao động do cơ chế kiểm soát giá còn thiếu hiệu quả.
“Ví dụ, nhà ở xã hội tại một số đô thị lớn giá gần 25 triệu đồng/m2, cao hơn khả năng chi trả của đa số người lao động. Phần khác, việc kiểm soát chuyển nhượng nhà ở xã hội còn lỏng lẻo, một số kẽ hở trong quy định về thời hạn và điều kiện chuyển nhượng đã tạo điều kiện cho tình trạng trục lợi chính sách, đầu cơ nhà ở xã hội diễn ra ngày càng tinh vi” - đại biểu nói.
Đặc biệt, đại biểu nêu, báo cáo của Kiểm toán nhà nước năm 2022 cũng chỉ ra có dấu hiệu gộp khống chi phí vào giá nhà ở xã hội tại một số địa phương.
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Từ thực tế trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần minh bạch hóa quy trình xác định giá, đồng thời tăng cường giám sát độc lập để đảm bảo đúng chi phí đầu tư và đúng đối tượng thụ hưởng.
Đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết yêu cầu bắt buộc công khai chi tiết phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; đồng thời tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư và người lao động trước khi phê duyệt.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cho phép tỉnh, thành phố được lập Hội đồng thẩm tra độc lập thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên một số dự án để xác định tính hợp lý của chi phí và lợi nhuận định mức. Điều này giúp tăng cường kiểm soát, chống việc gộp khống chi phí và đảm bảo quyền lợi của người mua, thuê nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, ưu việt của chế độ ta dành cho đối tượng hết sức đặc thù. Tuy nhiên, nếu chúng ta không kiểm soát được giá bán, giá thuê thì hiệu quả của chính sách này sẽ ảnh hưởng rất lớn. Tôi đề nghị Chính phủ có phương án và cách thức tiếp cận để kiểm soát được thật tốt vấn đề giá bán và giá thuê hoặc thuê mua để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Mang tiếng nói của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) phản ánh, dù đã gọi là nhà ở xã hội thì giá nhà vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động, cùng với tiêu chí, quy trình, quy định thủ tục được xét duyệt đưa ra không phải dành cho những người có mức thu nhập thấp. Nhiều người muốn đăng ký nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật.
“Nghị quyết thí điểm lần này nếu được xây dựng thực chất, khả thi chính là niềm hy vọng lớn nhất mà người lao động thu nhập thấp đang trông chờ. Chúng tôi tha thiết kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung các cơ chế hỗ trợ thật sự thiết thực như được trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nhà ở quốc gia đảm bảo giá nhà, giá thuê tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động, đồng thời cần bảo đảm công khai, minh bạch trong phân bổ, xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội. Một chính sách nhân văn nếu đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp người lao động an cư mà còn giúp đất nước phát triển bền vững” - đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu ý kiến của cử tri.
Nên đưa giá trần để doanh nghiệp chủ động xác định giá bán
Đưa ra giải pháp cho vấn đề giá nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị cần xem xét bổ sung quy định về khung giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo từng khu vực.
“Nếu không quy định người lao động có thể tiếp tục rơi vào cảnh nhà ở xã hội không thể chạm tới được vì giá vẫn vượt xa thu nhập. Giá nhà ở xã hội phải tương xứng với đồng lương của người lao động cả khi mua hoặc thuê” - đại biểu nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH
Cũng quan tâm đến phương pháp xác định giá bán nhà ở xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nhận thấy, thiết kế như Dự thảo Nghị quyết hiện nay sẽ mất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, khi phải tính toán chi phí, sau rồi lại kiểm toán lại; được cho bán trước kiểm toán sau với nhiều rủi ro…
“Chi phí đấy cũng là tiền. Thời gian chậm xác định giá bán cũng là tiền. Đây là một trong những yếu tố gây đội giá nhà ở xã hội”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị, cần xác định mức giá trần để doanh nghiệp chủ động định giá bán cụ thể cho từng dự án.
Theo đại biểu, việc quy định mức giá trần sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, và như vậy sẽ giúp nhà ở có giá thành rẻ hơn. “Thiết kế phương án xác định giá bán nhà ở xã hội hiện nay có nhiều rủi ro, doanh nghiệp chưa chắc đã dám làm” - đại biểu Hiếu lưu ý.
Tuy nhiên, giải trình vấn đề này sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho rằng, sẽ không thể đưa ra giá sàn chung mà phải theo thực tế ở mỗi địa phương.
Mỗi nơi có một đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau, chúng ta phải quy định theo giá của dự toán. Bộ sẽ có hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện. Sau khi thiết kế xong nhà hoặc thiết kế mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ phê duyệt giá tổng dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh lên 10%” - Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay.
Điều 8. Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội
1. Căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do nhà đầu tư tự nguyện ứng trước hoặc tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với loại đất mà chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất đã được Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ thì không được tính vào giá bán.
2. Việc xác định giá bán, giá thuê mua được thực hiện đối với một hoặc một số công trình của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo giai đoạn thực hiện hoặc theo phân kỳ đầu tư, từng dự án thành phần hoặc toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ thực hiện tổng thể dự án.
3. Sau khi nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán về chi phí đầu tư xây dựng theo quy định gửi cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để kiểm tra giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký Hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch của người mua, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trích Dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trình Quốc hội
Đ. KHOA