Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi. (Nguồn: VGP News)
Chỉ còn chưa đầy một ngày nữa là Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ khai mạc. Đại sứ kỳ vọng gì về sự kiện và đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai diễn đàn này?
Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ nhất, được tổ chức vào năm 2024, đã nhấn mạnh những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự thống nhất, khả năng phục hồi và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức mới nổi và trong tương lai.
Năm 2024, với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm", Diễn đàn Tương lai ASEAN tạo nền tảng để các bên liên quan thảo luận về các cách thức đạt được sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường, đồng thời bảo đảm rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng không đạt được bằng cách đánh đổi tính bền vững.
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 được xây dựng dựa trên thành công của lần tổ chức đầu tiên. Với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường và bao trùm trong một thế giới biến động", diễn đàn dự kiến đưa ra giải pháp cho các xu hướng quốc tế quan trọng, bao gồm cả các công nghệ mới nổi tác động đến ASEAN và thế giới, nhằm bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ của ASEAN trong bối cảnh thách thức toàn cầu.
Năm 2025 đánh dấu hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Do đó, diễn đàn là cơ hội quan trọng để các thành viên và đối tác ASEAN đóng góp vào quá trình định hình chiến lược phát triển tương lai của ASEAN trong ngắn hạn và dài hạn, hay còn gọi là Tầm nhìn ASEAN sau 2025.
Diễn đàn tái khẳng định cam kết của Việt Nam không chỉ đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực mà còn chủ động hơn trong ASEAN.
Tiếp nối những hoạt động kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, tôi tin rằng diễn đàn này là minh chứng cụ thể cho sự đóng góp của Việt Nam cho tương lai của ASEAN.
"Năm 2025 đánh dấu hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Do đó, diễn đàn này là cơ hội quan trọng để các thành viên và đối tác ASEAN đóng góp vào quá trình định hình chiến lược phát triển tương lai của ASEAN trong ngắn hạn và dài hạn, hay còn gọi là Tầm nhìn ASEAN sau 2025". (Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi)
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động khó lường như hiện nay, ASEAN cần đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như truyền cảm hứng cho sự đoàn kết, hợp tác và chủ nghĩa đa phương trên toàn cầu?
ASEAN được thành lập như một nền tảng để các quốc gia thành viên tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực. Do đó, ASEAN đã và đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.
Kể từ khi thành lập vào năm 1967, ASEAN đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của một cộng đồng dựa trên những nguyên tắc chung và toàn diện trong khu vực. Vai trò của ASEAN trong thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau dẫn tới củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện cho sự hợp tác, phát triển và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
55 quốc gia trên thế giới đã ký Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC). Hiệp ước là bộ quy tắc ứng xử về quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy hòa bình, quan hệ hữu nghị và hợp tác vĩnh viễn dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nguyên tắc không can thiệp và giải quyết hòa bình tranh chấp.
Ngoài ra, ASEAN luôn nỗ lực duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình và hợp tác thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tiếp tục thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), đồng thời duy trì môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng trưởng đoàn các nước ASEAN dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ nhất tại Hà Nội, ngày 23/4/2024. (Ảnh: Tuấn Anh)
Đại sứ có thể nói rõ thêm về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, bao gồm Biển Đông?
Hiến chương ASEAN đã nêu rõ các mục tiêu của ASEAN trong phạm vi chính trị - an ninh bao gồm, duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực, đồng thời bảo đảm rằng nhân dân và các quốc gia thành viên ASEAN được sống hòa bình với toàn thế giới nói chung trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp.
Để đạt được các mục tiêu này và ứng phó với những thách thức trong khu vực, ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm và tinh thần chủ động của mình, tiếp tục là động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực cởi mở, minh bạch và toàn diện.
Khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh này, vai trò trung tâm của ASEAN là chìa khóa để quản lý xung đột, bảo đảm rằng tương lai của Hiệp hội không bị chi phối bởi lợi ích của các bên khác. ASEAN cần tập trung vào việc duy trì vai trò trung tâm, độc lập trong bối cảnh các cơ chế quốc tế đang biến đổi nhanh chóng.
Hơn nữa, các nước ASEAN phải tiếp tục ưu tiên hợp tác khu vực, đối thoại và các khuôn khổ đa phương để duy trì sự ổn định và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Đặc biệt ở Biển Đông, ASEAN duy trì các nguyên tắc của UNCLOS như một khuôn khổ pháp lý để quản lý hàng hải và giải quyết xung đột. Trong bối cảnh căng thẳng đang tiếp diễn ở Biển Đông, việc tuân thủ công ước UNCLOS có tầm quan trọng rất lớn nhằm giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin lẫn nhau và mở đường cho giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN đóng vai trò quan trọng trong quản lý hiệu quả các vấn đề khu vực. Các quốc gia thành viên, như Indonesia và Việt Nam, đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò này. Indonesia tích cực tham gia làm trung gian hòa giải tranh chấp trong khu vực, trong khi Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội trong duy trì luật pháp quốc tế và ổn định khu vực.
Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến quan trọng để duy trì các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của đất nước hình chữ S trong hòa bình và phát triển khu vực. Trong ảnh, Lễ thượng cờ ASEAN tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Trong hành trình 30 năm trở thành thành viên ASEAN của Việt Nam, Đại sứ ấn tượng nhất với điều gì? Kỳ vọng của Đại sứ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của ASEAN, bao gồm Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045?
Hành trình 30 năm của Việt Nam với tư cách là thành viên ASEAN rất đáng ghi nhận, được ghi dấu bằng các hoạt động ngoại giao chủ động, tăng trưởng kinh tế và cam kết hướng tới sự ổn định khu vực. Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã chuyển mình từ nền kinh tế mới nổi thành một trong những quốc gia năng động và có ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến quan trọng để duy trì các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của đất nước hình chữ S trong hòa bình và phát triển khu vực. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2010 và 2020, Việt Nam đã củng cố cam kết của hiệp hội đối với quản trị dựa trên luật lệ, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 khi Việt Nam dẫn đầu quá trình thích ứng của ASEAN thông qua ngoại giao trực tuyến.
Sự dẫn dắt của Việt Nam đã giúp ngăn chặn những can thiệp từ bên ngoài đồng thời thúc đẩy sự gắn kết nội khối. Việt Nam cũng đã cân bằng hài hòa mối quan hệ với các cường quốc toàn cầu trong khi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN - củng cố hơn nữa vị thế chiến lược của hiệp hội.
Tôi hy vọng Việt Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của ASEAN, đặc biệt là trong định hình một ASEAN hội nhập, kiên cường và năng động hơn vào năm 2045. Với thành tích mạnh mẽ trong ngoại giao khu vực, tăng trưởng kinh tế và các nỗ lực phát triển bền vững, Việt Nam có vị thế tốt để thúc đẩy các sáng kiến quan trọng, phù hợp với tầm nhìn dài hạn của ASEAN.
Xin cảm ơn Đại sứ!
"Hành trình 30 năm của Việt Nam với tư cách là thành viên ASEAN rất đáng ghi nhận. Hành trình đó được ghi dấu bằng các hoạt động ngoại giao chủ động, tăng trưởng kinh tế và cam kết hướng tới sự ổn định khu vực". (Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi)
(thực hiện)
Hằng Trang